Kiểm điểm trách nhiệm vụ đề thi học sinh giỏi kỳ lạ

Kiểm điểm trách nhiệm vụ đề thi học sinh giỏi kỳ lạ
TP - Vào đầu giờ sáng qua, 17/4, trong cuộc họp giao ban của Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, ông Giám đốc Mạc Kim Tôn đã kiểm điểm trách nhiệm đối với những sai sót trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) tỉnh.

Không có người phản biện đề thi

Theo yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT, người ra đề và những cá nhân liên quan trong việc để xảy ra sai sót sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc và giải trình bằng văn bản. Sở GD-ĐT tỉnh sẽ có hình thức kỷ luật thỏa đáng.

Theo đó, Sở đã thành lập một Hội đồng tham mưu để giải quyết những “trục trặc”, sai sót trong kỳ thi này.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phương Bắc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình (Chủ tịch Hội đồng tham mưu) cho biết: “Mọi năm việc ra đề do chuyên viên của Sở làm.

Nhưng, nếu cứ để cho các chuyên viên ra đề e rằng… không khách quan, có thể các thầy sẽ bị “bắn thủng” (làm lộ đề-PV). Từ năm học 2005-2006, Sở quyết định đổi mới cách ra đề: Giao cho các trường chuyên giới thiệu thầy giỏi làm đề (mỗi trường giới thiệu 1-2 giáo viên).

Để bảo mật, Sở chọn mỗi môn một giáo viên làm đề thi. Giáo viên này phải chịu trách nhiệm về tính bảo mật, chính xác của đề. Môn sử  lớp 9 có 2 ứng viên được giới thiệu, người được chọn ra đề là thầy NVH-người có 10 năm công tác và là thạc sỹ dạy tại Trường THPT chuyên Thái Bình.

Tại sao một thạc sỹ có 10 năm kinh nghiệm lại để xảy ra nhiều sai sót khi làm đề thi (đề vượt chương trình, sai về nội dung kiến thức…)?

Ông Đặng Phương Bắc thừa nhận: “Chúng tôi đã kiểm điểm và thấy thầy H chỉ dạy chương trình PTTH, không nắm được chương trình lớp 9 THCS, trong khi đó năm học 2005-2006 SGK lớp 9 đã có nhiều thay đổi”.

Ông Trần Quang Hoan, Trưởng phòng khảo thí cho biết: “Thầy H không có kinh nghiệm trong việc ra đề thi chọn HSG và cũng chưa bao giờ làm đề thi HSG”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết môn Lịch sử  có một ngân hàng câu hỏi gồm 9 đề thi (có cả đề thi HSG trước đây).

Thầy H là người trực tiếp lựa chọn câu hỏi, ra đề thi môn Lịch sử và đã để xảy ra sai sót rất nghiêm trọng (2/5 câu, chiếm 11/20 điểm ở phần quan trọng: Câu 2 khiến học sinh lúng túng không làm được bài, câu 3 ra vượt nội dung chương trình).

Một tỉnh có phong trào học tập được đánh giá là tốt như Thái Bình  nhưng trong kỳ thi chọn HSG của tỉnh, cả môn Lịch sử  và 8 môn thi  khác đã không có người phản biện đề. Lý do  chỉ là vì “tính bảo mật”, vì “thiếu kinh phí”(!?).

Lại “bệnh” thành tích

Ông Đặng Phương Bắc cũng thừa nhận trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình là để xảy ra những sai sót đáng tiếc ở môn Lịch sử.  Tuy nhiên, có một sai sót lớn khác ở môn Tin học thi học sinh giỏi QG: 7 bài thi của các thí sinh có sự sao chép, trong đó 2/7 bài của hai thí sinh là con của 2 cán bộ lãnh đạo tỉnh.

Tuy nhiên,  tại cuộc họp sáng 17/4, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình vẫn  chưa có kết luận trách nhiệm đối với những sai sót trên. Trao đổi với Tiền Phong, ông Bắc cho biết đến hôm 17/4, Sở vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của Bộ.

Về trường hợp giống nhau này, ông Bắc nói: Trong quá trình thi, Hội đồng coi thi có thể đã cho các em trao đổi bài thi…”.

Việc sao chép bài thi trong một kỳ thi HSG, dẫn đến 7 bài thi giống nhau là nghiêm trọng. Điều này chỉ có thể lý giải bằng việc làm thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm nếu không nói là thả lỏng để cho các thí sinh tự ý trao đổi bài làm trong phòng thi.

Đây là căn bệnh thành tích tồn tại trong ngành giáo dục nhiều năm nay. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những người gây ra hậu quả trên.

MỚI - NÓNG