Kiểm định chất lượng Đại học: Sẽ đóng cửa nếu không đạt chuẩn

Kiểm định chất lượng Đại học: Sẽ đóng cửa nếu không đạt chuẩn
Kiểm định rồi, liệu bằng cấp ĐH của Việt Nam có được quốc tế công nhận hay không?

Hiện nay, dư luận vẫn canh cánh nỗi lo về chất lượng giáo dục (GD) (ĐH) Việt Nam (VN): các trường ĐH VN xếp hàng thứ 60-70; sinh viên (SV) VN tốt nghiệp không làm được việc khiến các nhà sử dụng lao động ngán ngẩm…

Giữa lúc đó, vấn đề kiểm định chất lượng các trường ĐH được xem như một giải pháp để nâng cao chất lượng và đã thắp lên ước mơ mới của người VN: kiểm định rồi, liệu bằng cấp ĐH của VN có được quốc tế công nhận hay không?

Theo mô hình nào?

Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng GD-ĐT, cho biết, đây là một câu hỏi khiến các chuyên gia khi xây dựng bộ tiêu chuẩn (gồm 10 tiêu chuẩn và 40 tiêu chí) đã tốn không ít công sức. Nhiều ý kiến cho rằng nên lấy mô hình Hoa Kỳ; một số người cho rằng nên theo châu Âu đặc biệt là Hung-ga-ri, một số lại đề nghị lấy mô hình Thái Lan.

Cuối cùng, bộ tiêu chí của VN được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn của Hà Lan, Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn, bộ tiêu chuẩn của bạn mang tính chất định tính nhiều hơn là định lượng.

Còn với VN, qua tham khảo ý kiến của các trường ĐH và xã hội, tiêu chuẩn phải có tiêu chí cụ thể. Tóm lại, chuẩn Việt Nam phải là sự kết hợp của bộ tiêu chuẩn nước ngoài với thực tiễn của VN.

Kiểm định rồi, chất lượng có thay đổi? Ông Bành Tiến Long nói chắc như đinh đóng cột “Tôi khẳng định là có”. Theo ông, khi các trường tham gia kiểm định, nhiều hiệu trưởng rất lo lắng xem nếu trường mình kiểm định không được thì sẽ ăn nói ra sao với đội ngũ giáo viên, với SV và xã hội.

Ông Long cũng cho biết, đợt kiểm định này không phải là để phân loại A, B, C mà kiểm định để xem xét trong 10 tiêu chuẩn 40 tiêu chí từng trường đã đạt chuẩn nào, tiêu chí nào để còn phấn đấu.

Trong số 20 trường sẽ tham dự kiểm định đợt 1 (đến tháng 12/2005) và đợt 2 (bắt đầu tháng 12/2005) có bao nhiêu trường đạt được con dấu chất lượng Việt Nam?

Ông Thứ trưởng kiêm GĐ Quốc gia Dự án ĐH cho biết: “Tôi khó tin là có trường nào đạt được 100% bộ tiêu chuẩn của chúng ta đã ban hành vào lúc này. Ví dụ, 6 cán bộ phải có 1 đề tài khoa học từ cấp cơ sở trở lên không phải trường nào cũng dễ đạt được; số SV/1 giảng viên (15SV đối với trường KHCN) và nhiều tiêu chí lượng hoá khác nữa... Bao lâu nữa có trường đầu tiên đạt chuẩn cũng là một câu hỏi khó. Đề án đổi mới giáo dục ĐH VN còn nhiều vấn đề. Câu trả lời chung là: phải - chờ - đợi...”.

Thứ trưởng Bành Tiến Long đánh giá có thể phải mất 3 đến 5 năm và phải hết sức quyết liệt mới có trường ĐH đầu tiên xứng đáng được cấp dấu chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đó.

Cốt lõi của vấn đề là sau kiểm định thì bằng cấp của VN có được thế giới công nhận hay không?

Ngay tại VN, việc liên thông chưa được phổ biến rộng vì còn hạn chế bởi một số các văn bản học vị cũ ... Thực tế cho thấy việc liên thông trong nội bộ các trường ĐH ở VN đã khó, không “ông” (ĐH-PV) nào công nhận bằng của “ông” nào, thậm chí không công nhận cả đầu vào của nhau nữa vì ai cũng cho là mình... cao hơn như lời giải thích của một cán bộ có trách nhiệm ở Bộ GD-ĐT. Trong nước đã vậy, nói gì đến nước ngoài.

Bên cạnh đó ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng cho biết ngành GD-ĐT đang có chủ trương kiểm định chất lượng từ đại học đến phổ thông. Luật GD cũng quy định các trường học phải tham gia kiểm định chất lượng.

Tuy nhiên liệu có thể có trường ĐH không đạt chuẩn bị đóng cửa không? Theo ông Ninh, nếu một trường kiểm định mãi không đạt chuẩn thì ngành GD-ĐT cũng phải có biện pháp như đề nghị đóng cửa.

Kiểm định có tránh được “dậm chân tại chỗ”?

Kiểm định chất lượng Đại học: Sẽ đóng cửa nếu không đạt chuẩn ảnh 1
SV cử nhân tài năng thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh

ĐHSP Hà Nội chưa đăng ký tham gia kiểm định vì “chúng tôi còn chưa kịp chuẩn bị, chúng tôi còn băn khoăn không biết có trường ĐH nào của VN đạt chuẩn hay không” là ý kiến của GS Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng nhà trường.

Theo ông Báo, có tiêu chí thì rất tốt nhưng các tiêu chí cần đảm bảo đo được, không thể có những tiêu chí không đo được vì khái niệm quá trừu tượng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM cho biết, ĐHQG TP HCM đã tiến hành kiểm định từ trước thời điểm Bộ GD-ĐT thực hiện, đương nhiên bằng “bộ” kiểm định riêng của mình.

Ông cho biết, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã kiểm định trước ta 10-15 năm; Philippines cùng thứ hạng cũng đã làm trước ta mấy năm; nay lại có thêm bộ chuẩn ASEAN...

Vấn đề ở chỗ chúng ta nên đặt mục tiêu thế nào để mình đừng đánh giá mình cao quá hoặc thấp quá.

Một lãnh đạo khác của ĐHQG HN lại nhận xét bộ tiêu chí của VN còn chung chung quá, chưa định lượng được để dễ thi công và kiểm tra. Nhìn vào bộ tiêu chí kiểm định của nước bạn dày cộp, cái gì cũng cụ thể mới thấy mình ... “mỏng” quá.

Cũng là tiêu chí máy tính trên đầu SV chẳng hạn, máy Pen-tum 2 phải khác pen-tum 5 chứ. Nhìn chung các tiêu chí của ta chưa có tham số chung để quy chiếu, để ra được TOP 10, TOP 50 các trường ĐH.

Vị GS này nhấn mạnh, làm thế nào để liên thông quốc tế, SV hết năm thứ 2 ở VN có thể học tiếp năm thứ 3 ở Nhật, ở Mỹ hay bất kỳ nước nào hay bất kỳ trường nào trong nước mới là cái đích chúng ta cần nhằm tới.

Muốn làm được như vậy, ngoài bộ tiêu chí định lượng hơn, chi tiết hơn và chuẩn hoá được cả trong nước lẫn với nước ngoài còn cần các điều kiện như: đào tạo đội ngũ kiểm định bài bản ở nước ngoài, đầu tư và chính sách, quyền lợi nghĩa vụ của các trường được kiểm định (kiểm định được thì sẽ được đầu tư gì, không đủ tiêu chuẩn thì bị đóng cửa...).

“Nếu giữ nguyên tư duy như hiện nay, cơ chế như hiện nay và cách kiểm định như thế này thì chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả và nền ĐH VN sẽ “dậm chân tại chỗ” - Vị GS này nhận định.

MỚI - NÓNG