Kiên cố hoá trường lớp học: Lo thiếu tiền, lo tiến độ...

Kiên cố hoá trường lớp học: Lo thiếu tiền, lo tiến độ...
Ngày 28/4 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị Bàn các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học (KCHTLH) các tỉnh phía Bắc.

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến phát biểu của các địa phương đều có một lo ngại chung: lo thiếu tiền và lo không kịp tiến độ.

Tiền: bao nhiêu là đủ?

Lào Cai (LC) một trong 6 tỉnh nghèo nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc và hiện có 2600 phòng học tạm cần được kiên cố hoá. Ông Sùng Chúng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh LC - đã làm phép tính: Theo dự toán của tỉnh, chi phí thực tế bình quân cho mỗi phòng học là 160 triệu đồng.

Trừ đi số tiền 60 triệu đ/ phòng học mà Chính phủ hỗ trợ, LC phải chi thêm 260 tỷ đồng mới hoàn thành chương trình KCHTLH. Hàng năm ngân sách tập trung của cả tỉnh chỉ có 55 tỷ đồng, trong đó 29 tỷ đồng chi cho chương trình mục tiêu GD&ĐT (chủ yếu đầu tư cho phổ cập GD và đổi mới chương trình nội dung sách giáo khoa). Như vậy, đến bao giờ LC mới có 260 tỷ để xoá được phòng học tạm, tranh tre nứa lá?

Cũng vì giữa định suất đầu tư với thực tế có sự chênh lệch lớn như vậy nên hiện nay, LC còn nợ 40 tỷ đồng (công trình đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán). Trước mắt, LC còn 1442 phòng học chưa thể khởi công xây dựng vì chưa biết trông chờ kinh phí ở đâu!

Không chỉ ông Sùng Chúng mà hầu hết đại diện các địa phương đăng đàn tại hội nghị trên cũng chung một tâm trạng. Nếu như ông Sùng Chúng mô tả nơi xây trường của địa phương mình “có độ dốc lớn, riêng việc san lấp mặt bằng có nơi đã mất 60 triệu chứ chưa nói gì đến việc xây phòng” thì ông Phạm Công Đam (Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) kể: “Có những vùng phải vận chuyển vật liệu xây dựng đi hơn 200 km mới đến được điểm xây lớp. Có những lúc không thể chuyển bằng xe, thồ bằng ngựa mà người dân phải xếp gạch trong quẩy tấu rồi mang trên lưng. Mỗi quẩy tấu xếp được chừng 10 – 15 viên gạch”.

Ông Hoàng Như Lập (GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế) nói: “Không chỉ các tỉnh miền núi mới khó khăn mà miền thấp như chúng tôi cũng thế. Những nơi vẫn còn phòng học tạm, tranh tre nứa lá phần lớn là vùng sâu, vùng xa, vùng quá khó khăn. Theo tôi, định suất đầu tư nên ở mức 140 triệu đ/ phòng học (tính bình quân cho cả hàng lang, cầu thang) để đảm bảo tính khả thi trong cân đối”.

Còn ông Vương Văn Việt (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) thì đề nghị Chính phủ nên tính suất đầu tư theo huyện chứ không phải tính theo tỉnh. Thanh Hoá tuy là một tỉnh vùng thấp nhưng lại có những huyện rất khó khăn (ví dụ: H. Mường Lát cách tỉnh lỵ 250 km).

Nỗi lo tiến độ và “hậu 159”

Theo quyết định 159/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số phòng học của chương trình là 67.500, thời gian thực hiện là đến năm 2005.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình KCHTLH, tổng số phòng học các địa phương đã triển khai xây dựng là 40.460 - đạt tỷ lệ 68% theo yêu cầu của QĐ 159.  Trong đó, chỉ khoảng 32.000 phòng học đã hoàn thành - đạt tỷ lệ 53,4%. Như vậy, chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn (8 tháng) nữa để hoàn thành hơn 46% khối lượng công việc còn lại.

 Đây quả là một sức ép lớn đối với các địa phương, nhất là những địa phương được xếp vào diện “chậm” (11 tỉnh). Ông Việt đề xuất: “Nên gia hạn yêu cầu tiến độ đến 6/2006, nếu được thì hết năm 2006 là tốt nhất. Có như vậy chất lượng công trình mới được đảm bảo”.

Thanh Hoá là địa phương đã thực hiện được khoảng 2/3 công việc – bằng mức bình quân cả nước. ý kiến này được nhiều đại biểu phát biểu tiếp theo (bao gồm cả những địa phương mà tiến độ được xếp diện “nhanh”) tán thành.

Một nỗi lo khác, đó là số lượng phòng học cần kiên cố hoá phình ra khá lớn so với con số trong QĐ 159 (vốn căn cứ vào báo cáo của các địa phương thời điểm tháng 8/2002): thêm 46.874 phòng. Ngoài ra, còn có 61.555 phòng học cấp 4 xây dựng từ những năm 1970 – 1980 đang diện “chờ sập”.

Nhiều tỉnh nóng lòng mong muốn được bổ sung kinh phí để giải quyết số phát sinh này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, chỉ đạo của Chính phủ là cương quyết thực hiện theo QĐ 159, còn con số phát sinh sẽ có kế hoạch giải quyết sau.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.