Kim Cúc đậu rồi!

Kim Cúc đang phụ bán bún kiếm tiền lo chi phí nhập học. ảnh: Th.T
Kim Cúc đang phụ bán bún kiếm tiền lo chi phí nhập học. ảnh: Th.T
TP - Thầy Đặng Văn Mười (giáo viên dạy Lý, Trung tâm GDTX quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vui mừng reo lên trong điện thoại khi báo với tôi tin em Nguyễn Thị Kim Cúc đỗ đại học. 

Chuyện đỗ đại học sẽ chẳng lạ, nếu Cúc không phải là một trò nghèo phải nghỉ học mất 4 năm, bươn chải mưu sinh đủ nghề từ bán bánh mì, bán bún, đến chạy bàn quán nhậu… chỉ có thời gian học hệ bổ túc ban đêm.

Và cô trò nghèo ấy năm nay đứng trong top 10 thí sinh cao điểm nhất của trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với 24,75 điểm khối A (Toán 7,5; Lý 8; Hóa 9,25).

Nhường phần học cho em


Cúc năm nay 22 tuổi nhưng trông vẫn nhỏ như học sinh cấp 3. Nghỉ tay khi khách trong quán bún vừa vãn, Cúc kể: “Năm em học lớp 9 nhà quá khó khăn, ba thất nghiệp, má đi phụ quán ăn không đủ nuôi 3 chị em ăn học. Vậy là em quyết định nghỉ học đi làm thêm”. Cúc chuyển sang ở với ông nội, sáng đi phụ bán bánh mì, chiều làm trong quán bún. Còn dư thời gian, Cúc xin chạy bàn trong quán nhậu, phục vụ quán cà phê. Có những ca làm tới 10, 11 giờ đêm mới về.

Ròng rã cả năm trời, cô bé mải miết kiếm tiền, chắt chiu từng đồng cho hai đứa em đóng học phí. Ba năm tiếp theo, Cúc vẫn tất bật trong guồng quay làm việc từ sớm đến khuya, nhiều lúc nhớ sách vở, nhớ trường lớp thì lôi giấy màu ra ngồi vẽ. Rồi một lần tình cờ gặp mấy người bạn cũ đang làm thủ tục nhập học vào ĐH-CĐ, Cúc lại thèm đi học. Bạn bè chỉ cho Cúc xin về Trung tâm GDTX quận Sơn Trà, cứ học cho xong cấp 2 rồi tính tiếp. Cúc về làm hồ sơ nộp và được đồng ý cho vào học lớp 9 theo diện phổ cập cơ sở.

Vừa học vừa làm bồi bàn

Năm đầu tiên, Cúc làm thầy cô ở trung tâm “choáng” vì lực học quá giỏi. Bỏ học mất 4 năm, nhưng toàn bộ kiến thức Cúc vẫn nhớ, riêng ba môn Toán, Lý, Hóa Cúc luôn dẫn đầu. Hết năm lớp 9, Cúc đạt danh hiệu học sinh giỏi. Chương trình cho lớp bổ túc không nặng, chỉ toàn kiến thức cơ bản, năm nào Cúc cũng được xếp loại giỏi. Cúc thấy học vậy là chưa đủ nên xin thêm thầy cô bài tập về nhà làm. 

Đến năm lớp 12, xác định sẽ thi đại học, Cúc đi học thêm ở ngoài hai môn Toán, Hóa, riêng môn Lý thì được thầy Đặng Văn Mười cho học miễn phí. Suốt 4 năm đi học lại, thời gian biểu một ngày của Cúc kín mít: 6g sáng đi phụ bán cà phê tới 10g30, 11g chạy bàn quán bún đến 6g tối nên ít khi Cúc vào lớp đúng giờ. Riêng lớp học thêm thì buổi nào cũng chỉ học được 30 phút đến một tiếng sau cùng. Cận ngày thi ĐH, Cúc mới xin nghỉ bán cà phê để có thời gian ôn luyện buổi sáng.

Làm hồ sơ thi ĐH, Cúc chỉ dám chọn ngành Sư phạm Hóa của trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, bởi ngành đó không tốn tiền nộp học phí. Cách đây mấy hôm nghe có kết quả thi, Cúc chẳng biết sử dụng máy tính nên không xem điểm được, phải nhờ đứa bạn tìm giúp mới hay mình đứng trong top 10 thí sinh cao điểm nhất của trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Các thầy cô giáo trong trung tâm GDTX hết sức tự hào về Cúc.

Những ngày này, Cúc vẫn tất bật với công việc chạy bàn trong quán bún trước chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Cúc thủ thỉ: “Miễn học phí nhưng tiền mua giáo trình, sách vở, rồi lệ phí lặt vặt, xăng xe... chắc cũng nhiều nên em tranh thủ làm để có tiền trang trải. Bây giờ chỉ lo vào học chương trình nặng quá, không biết có đủ thời gian để đi làm thêm không nữa”.

Sau khi đi học lại, Cúc không chỉ giành danh hiệu học sinh giỏi 4 năm liền mà còn đoạt rất nhiều giải trong các cuộc thi như: Giải nhất giải Toán trên máy tính Casio cấp thành phố, khu vực miền Trung Tây Nguyên năm lớp 12; Giải nhất học sinh giỏi môn Toán lớp 12 cấp thành phố.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.