Kỳ thi THPT quốc gia: Thuận tiện hơn cho thí sinh và phụ huynh

Thí sinh ra về sau khi làm thủ tục dự thi tại cụm thi số 2 - trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội sáng ngày 30/6. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh ra về sau khi làm thủ tục dự thi tại cụm thi số 2 - trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội sáng ngày 30/6. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm qua (30/6), ghi nhận của PV Tiền Phong trong quá trình làm thủ tục dự thi tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, đã bớt đi nhiều cảnh phụ huynh và thí sinh phải vất vả “tay xách nách mang”, đường sá xa xôi “lai kinh ứng thí” như trước đây.

TPHCM: Trên 96% thí sinh làm thủ tục thi

Theo phân bố cụm thi, TPHCM có 8 cụm thi chủ trì cho thí sinh của các tỉnh gồm Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM. Trung bình, các thí sinh di chuyển từ 50-70 km, thí sinh xa nhất di chuyển khoảng 200 km, trong khi những năm trước, nhiều thí sinh từ Nghệ An, Thanh Hóa… phải di chuyển cả ngàn cây số vào TPHCM thi rất nhiều.

Chị Trần Thị Mỹ, quê ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sáng 30/6 chở con trai và mang theo áo quần lên điểm thi trường THPT Nguyễn Chí Thanh để con làm thủ tục. Chị Mỹ kể, sáng này hai mẹ con thức dậy từ 4 giờ sáng, sau khi chuẩn bị xong xuôi, chị chở con trai ra khỏi nhà lúc 5 giờ và lên đến điểm thi lúc khoảng 6 giờ. Bên cạnh đó, trong lúc con trai làm thủ tục, chị Mỹ đã liên hệ được một khách sạn gần trường với mức giá thuê phòng là 750 ngàn đồng/1 ngày đêm.

“Qua báo đài, tôi thấy năm nay thi cũng nhẹ nhàng, không rầm rộ như những năm trước, thí sinh được thi theo cụm nên tôi không lo sợ hết phòng ở hay bị ép giá trên trời như những năm trước nữa”, chị Mỹ cho biết.

Cùng suy nghĩ như chị Mỹ, anh Trần Đức Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng dậy sớm rồi chạy xe máy chở con từ Vũng Tàu lên TPHCM để làm thủ tục thi. Đây là lần thứ 2 anh Quang đưa con đi thi nhưng khác với lần trước, lần này anh tỏ ra thoải mái, không lo thiếu chỗ trọ hay hỗn loạn trong mấy ngày thi nữa. “Năm nay thi theo cụm nên thí sinh về TPHCM sẽ ít hơn, chỗ trọ nghe nói cũng nhiều lắm nên bố con tôi cũng thong thả, không như lần trước phải lên sớm đến 2 ngày để cho con ổn định chỗ ở”, anh Quang kể.

Thí sinh Lê Văn Anh (quê Bình Dương), dự thi ở điểm thi trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Sau khi làm thủ tục dự thi,em thấy tương đối thoải mái bởi trong phòng hầu như không có ai sai sót gì”.

Trong khi đó, năm nay, các thí sinh ở xa, có điều kiện khó khăn đều được hỗ trợ từ tỉnh cũng như các nhà hảo tâm. Theo đó, chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hỗ trợ cho 236 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có phụ huynh đi kèm. Với các thí sinh này, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ 100% chi phí ăn ở, đi lại và khi thi xong, sẽ đưa các em trở về địa phương, đảm bảo an toàn. Còn 130 thí sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Phan Thiết và huyện đảo Phú Quý vào TPHCM tham dự kỳ thi đã được tỉnh hỗ trợ đưa đón miễn phí. Bên cạnh đó, khi đến điểm thi ĐH Tôn Đức Thắng (đơn vị chủ trì cụm thi) cũng đã bố trí chỗ ở cùng với các suất cơm miễn phí trong những ngày thi.

Đối với thí sinh từ Tây Ninh, 330 em học sinh nghèo đã được trường THSC- THPT Nhân Văn, quận Tân Phú đưa xe lên đến tận nơi đón về trường để lo ăn ở, trong quá trình đi thi các thí sinh này cũng được trường đưa đi đón về liên tục.

Theo báo cáo nhanh từ văn phòng Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM, năm nay TPHCM có 8 trường đại học chủ trì 8 cụm thi với 145 điểm. Kết thúc ngày làm thủ tục dự thi (ngày 30/6) tại TPHCM có 151.880 thí sinh tập trung trong tổng số 158.092 thí sinh thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ đạt 96.34%. Ghi nhận tại các điểm thi, công tác phổ biến Quy chế cho thí sinh được các hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc, không khí trường thi trật tự, an toàn.

Tại các điểm thi, đa phần các thí sinh sai sót về tên họ, giới tính và môn thi đều được chỉnh sửa kịp thời; một số trường hợp thí sinh mất giấy CMND được hội đồng thi cho viết bản cam kết và lăn tay ngay trong ngày làm thủ tục…

Kỳ thi THPT quốc gia: Thuận tiện hơn cho thí sinh và phụ huynh ảnh 1

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Hà Nội: Nắng nóng gay gắt, tắc đường và nhiều sai sót

Trong cái nắng 40-42 độ C tại Hà Nội, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp  THPT quốc gia tại Cụm thi do Học viện Nông nghiệp chủ trì phải nhích từng mét một để di chuyển trên quãng đường từ  cầu Chương Dương đến Trâu Quỳ. Từ cầu Chương Dương đến Học viện Nông nghiệp, ở thời điểm 9 giờ sáng, phải mất một tiếng đồng hồ chen chúc, lạng lách. Đến được cụm thi ở Học viện Nông nghiệp gặp thí sinh ở Đ.B ở Tiên Du, Bắc Ninh hớt hải tìm phòng thi trong trường thi đã vắng tanh người nên phải đi tìm phòng đào tạo để làm thủ tục dự thi. Một thí sinh khác, Hoàng T. (Bắc Ninh) cũng cho biết thí sinh này rời nhà lúc 6 giờ 45 nhưng 8 giờ mới đến nơi và cũng phải vượt qua quãng đường dài đầy xe con, xe tải, công-ten-nơ mới đến được gần trường thi và đã phải nhảy lên xe ôm mới tới được điểm cần đến. Những con đường khác ở Hà Nội như đoạn Thanh Xuân - Ô chợ Dừa cũng tắc nghẽn hơn mọi ngày.

Thí sinh  Đ.H.  ở một cụm thi tại Hà Nội, đăng ký thi 5 môn nhưng trên giấy dự thi chỉ báo thi 4 môn, bị bỏ sót môn Vật lý. Trường thi trả lời: phải đợi kiểm tra, đợi Sở, đợi Bộ xem xét và giải quyết vào… chiều hôm sau. Thông tin này không khỏi làm người cha đi theo thí sinh không khỏi lo lắng bởi sáng nay đã bắt đầu thi. Đ.H không phải là thí sinh duy nhất bị sai lệch thông tin. Một trường thi ở khu vực trung tâm Hà Nội báo cáo: sai sót trong hồ sơ của thí sinh rất nhiều, từ sai giới tính đến quê quán, tên, tuổi,  địa chỉ thường trú…

Một trong ba kiểu sai sót đang làm đau đầu các nhà tuyển sinh nhất là sai số chứng minh nhân dân (CMND). Theo một nhà tuyển sinh, nếu số  CMND của thí sinh bị nhầm và phải thay đổi trong hệ thống dữ liệu gốc đã “đóng” hiện nay thì sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi khó lường vì tài khoản email của thí sinh để được quyền xem điểm, xem thông tin… đăng ký theo số CMND. Một trường thi báo cáo đã có khoảng vài chục thí sinh sai sót kiểu này và đang chờ chỉ đạo xử lý từ Bộ GD&ĐT. Sai  CMND không làm các trường thi lo lắng bằng nỗi sợ sửa môn thi cho thí sinh. Đó là lời khẳng định của một nhà tổ chức thi. Nguồn tin này cho biết, nếu một thí sinh bị nhầm môn thi, do lỗi kỹ thuật nhập sai dữ liệu, nay nhập lại dữ liệu theo kiểu tự động hoá của hệ thống phần mềm tuyển sinh thì sẽ làm xê dịch tất cả các thí sinh ở các phòng thi vì máy móc là... máy móc. Một thí sinh ở Nam Định thi môn tiếng Anh, được xếp thành thi môn tiếng Nga tại trường thi ĐH Bách khoa. Để đảm bảo dữ liệu không làm xô lệch toàn bộ hệ thống phòng thi, ĐH Bách khoa đã phải khéo léo xử lý dữ liệu theo chế độ “nhập bằng tay” thay vì tự động để xếp cho thí sinh ở phòng thi mới.

Kỳ thi THPT quốc gia: Thuận tiện hơn cho thí sinh và phụ huynh ảnh 2

Làm thủ tục đăng ký dự thi tại Hà Nội sáng ngày 30/6/2015. Ảnh: Như Ý.

Đìu hiu điểm thi địa phương

Trái ngược với không khí tắc đường, đông đúc ở các điểm thi do các trường đại học chủ trì thì các điểm thi địa phương có khá ít thí sinh, vắng bóng sinh viên tình nguyện nên khung cảnh đìu hiu nhưng vẫn bao trùm nỗi lo của phụ huynh và thí sinh. Ngay trong ngày đăng ký làm thủ tục dự thi, điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đa số thí sinh địa phương có nhà gần điểm thi nhưng vẫn đến từ rất sớm. Điểm thi này có 415 thí sinh, chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Đa số thí sinh tự đến điểm thi một mình mà không có người nhà đưa đón nên không khí không khác nhiều một ngày đến trường như ngày thường.

Tại điểm thi THPT Sơn Tây, lượng thí sinh đăng ký dự thi ban đầu chỉ có 368 thí sinh nhưng trong ngày đăng ký dự thi vắng tới 8 người. Điểm thi cũng đa số là thí sinh địa phương nên không có cảnh đông đúc, vắng bóng sinh viên tình nguyện cũng như người nhà đưa đón thí sinh.

Ông Đỗ Hoàng Hiệp, Trưởng điểm thi tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì thông tin, dù điểm thi ở xa trung tâm nhưng mọi công tác chuẩn bị được triển khai nghiêm túc, chu đáo. Riêng cơ sở vật chất được các đoàn kiểm tra, rà soát đến lần thứ 4. Trong ngày đăng ký dự thi, 415 thí sinh không có gì sai sót phải sửa chữa. Cán bộ coi thi đã phổ biến quy chế thi, nhắc nhở giờ thi, ký nhận thẻ thí sinh, và những thủ tục cần thiết đến từng thí sinh. Đặc biệt, tại điểm thi này, hai môn Lý, Hóa chỉ có 8 thí sinh đăng ký thi. Vì vậy, 4 thí sinh mỗi môn vẫn được xếp một phòng thi, bố trí 2 cán bộ coi thi và 1 cán bộ giám sát.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cụm thi địa phương của do Sở chủ trì có 118.443 thí sinh đăng ký dự thi, trong ngày đầu đa số thí sinh đã có mặt. Số thí sinh phải sửa chữa hồ sơ đăng ký dự thi cũng rất ít, tập trung sửa các lỗi như: thay đổi số chứng minh thư, thay đổi địa chỉ nhà, sai ngày sinh...Tất cả thông tin thí sinh sai sót đã được các điểm thi lập biên bản sửa chữa và báo cáo lên Sở GD&ĐT.         

Thí sinh nam thành... nữ

Một nhà tuyển sinh miêu tả quá trình sửa ảnh khi một thí sinh nam được quét ảnh của một thí sinh nữ như sau: Phải lục tìm hồ sơ gốc, quét lại ảnh vào hệ thống dữ liệu, in lại giấy báo thi và số ảnh tương ứng- mỗi thí sinh bị “đổi giới” do nhập nhầm dữ liệu phải in lại ít nhất 5 bản ảnh. Một kiểu “lệch” ảnh nữa, Học viện Nông nghiệp báo cáo, thí sinh gửi ảnh chụp ngang, khi trường thi “dán” ảnh  vào khổ 3x4 thì mặt thí sinh bị “biến dạng” do méo hình khiến nhà trường phải xử lý bằng cách cho thí sinh mang ảnh khác đến và đẩy lại dữ liệu vào hệ thống. ĐH Thái Nguyên cũng có một số ảnh thí sinh không trùng, phải kiểm tra lại CMND và chụp, quét lại ảnh.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 1.006.479 thí sinh đăng ký dự thi,  trong đó có  27,8 %  thí sinh dự thi chỉ để tốt nghiệp THPT, 59% thí sinh dự thi để tuyển sinh và tốt nghiệp THPT và 13,2 % thí sinh tự do thi chỉ để xét tuyển vào các trường đại học (ĐH). Cả nước có 99  cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các đại học, học viện, trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh doSở GDĐT và Cục Nhà trường chủ trì);

Trong ngày làm thủ tục dự thi, 30/6/2015,  số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 957.529, đạt 95%. Tuy nhiên, theo dự báo từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, số thí sinh dự thi thực tế sẽ cao hơn vì có một số thí sinh, đặc biệt là thí sinh tự do chưa đến đăng ký (theo báo cáo của các cụm thi do trường đại học chủ trì).     

H.T

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.