Kỳ thực tập kinh hoàng

Kỳ thực tập kinh hoàng
Đến thực tập ở Trường tiểu học K.Đ, thuộc TP Quy Nhơn, ngay khi tiếp xúc trực tiếp với thầy hiệu trưởng, chúng tôi đã "được" gợi ý chuyện... quà cáp cho trường bằng... phong bì.
Kỳ thực tập kinh hoàng ảnh 1
Ảnh minh họa: Thanh Niên

Theo quy định của nhà trường, kỳ thực tập của chúng tôi kéo dài 6 tuần ở một số trường tiểu học trên địa bàn TP Quy Nhơn. Quy định là thế nhưng thực ra chúng tôi chỉ có vỏn vẹn chừng 4 tuần tiếp cận với học sinh.

Mỗi người dạy đúng... 5 tiết suốt chừng ấy thời gian. Còn lại, chúng tôi phải mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo làm thủ tục, chuẩn bị giáo án, trang phục, đồ dùng học tập...

Trước ngày đi thực tập, chúng tôi phải nộp mỗi người hai trăm ngàn, gọi là tiền chi phí. Dường như chẳng ai phàn nàn về khoản đóng góp này, dù không biết "hụi chết" này sẽ "giải ngân" ra sao.

Vì tính chất quan trọng của kỳ thực tập nên không một bạn nào dám lơ là. Với lại, đây là cơ hội duy nhất trong suốt quãng đời sinh viên, chúng tôi được... đóng vai thầy, cô giáo thực thụ.

Mỗi ngày tiếp xúc với các giảng viên tận tụy trong trường, chúng tôi cứ nghĩ thầy cô nơi mình đến thực tập cũng sẽ không có gì khác biệt. Chắc là thầy trò sẽ đối xử với nhau rất vui vẻ, tình cảm. Thế mà mọi chuyện không hề đơn giản và vui chút nào.

Chúng tôi thực tập ở Trường tiểu học K.Đ, thuộc TP Quy Nhơn. Ngày đầu tiên đi trình diện ban giám hiệu và thầy cô trong trường, ấn tượng đầu tiên là các thành viên trong ban giám hiệu nhà trường ai cũng rất đạo mạo. Các thầy kiệm lời. Chúng tôi tuy hơi lo nhưng vẫn tin mọi chuyện sẽ "xuôi chèo mát mái".

Khi tiếp xúc trực tiếp với thầy hiệu trưởng, chúng tôi "được" gợi ý chuyện... quà cáp! Thầy bảo: "Nếu các em có nhã ý tặng quà cho nhà trường thì phải hỏi ý kiến của ban giám hiệu để biết nhà trường thiếu gì, thích gì, thì các em mua"!

Chúng tôi bị ám ảnh, choáng váng sau khi được lĩnh giáo "lời vàng ngọc" này. Khi được hỏi nhà trường đang thiếu thứ gì thầy bình thản nói: "Các em cứ suy ra món quà các em mua trị giá bao nhiêu rồi đi phong bì". Đến đây, chúng tôi khủng hoảng thật sự.

Sau khi thực hiện xong "nhiệm vụ" với mức hai triệu đồng, ai cũng nghĩ chuyện quà cáp thế là xong và tất bật với phần thực tập của mình. Một tuần sau, thầy lại bảo cần tặng cho nhà trường một hiện vật gì đó.

Dàn âm thanh, cây kiểng, ghế đá... nhà trường đã có đủ; chỉ thiếu cái máy chụp hình. Máy chụp hình để làm gì? Thầy tự hỏi và cũng tự trả lời ngay sau đó - Máy chụp hình để chụp lại những hoạt động lễ lạt, liên hoan này nọ của trường, giữ lại về sau làm kỷ niệm!

Như để khỏi áy náy, thầy dặn thêm: "Mua loại máy rẻ rẻ thôi". Chúng tôi cũng phải bấm bụng "vâng lời".

Ngày chia tay, chúng tôi có nhã ý mời các thầy cô trong trường dự một tiệc ngọt thân mật. Một lần nữa, thầy nói như đùa: "Tiệc thì phải tiệc mặn. Tổ chức tiệc ngọt đơn điệu lắm. Ai mà dự?".

Chúng tôi họp nhóm rồi quyết đi "tiệc mặn", vào một nhà hàng sang trọng cho "hợp" với ý thầy. Thầy trò cụng ly rất ư là... "vui vẻ".

Nói chung, chúng tôi rất hài lòng về kỳ thực tập của mình. Giáo viên ở trường chúng tôi đến thực tập không hề tạo sức ép cho sinh viên cũng chẳng hành xử theo kiểu "lấy quà cáp làm trọng" như thầy hiệu trưởng. Tuy nhiên, về công tác chuyên môn thì bùng nhùng lắm.

Giáo viên phụ trách khối chỉ bảo một đường, giáo viên hướng dẫn lại bắt làm một nẻo. Giáo án có người phải sửa đến... lần thứ 7! Giáo án ký duyệt xong mới được dạy. Dạy xong thì không được thay đổi nội dung. Dạy bằng giáo án đã được duyệt nhưng khi nộp lên cấp trên thì phải sửa năm lần bảy lượt.

Khi chúng tôi mới vào thực tập, các thầy cô nhà trường dạy... chay các tiết mẫu (dạy mà không có hình mẫu minh họa). Còn chúng tôi thì phải tự chuẩn bị đồ dùng dạy học trước khi lên lớp.

Theo yêu cầu của giáo viên hướng dẫn, không ít người trong chúng tôi phải đi thuê họa sĩ vẽ mô hình, rồi tự bỏ tiền ra chợ mua hàng thật về để minh họa cho... sát với thực tế.

Tôi làm chủ nhiệm lớp 2, vui lắm nhưng hơi vất vả một chút. Một ngày phải lên lớp hai buổi, nhiều khi phải ở lại qua buổi trưa vì các em ở bán trú.

Tuy lớp 2 nhưng nhiều em tinh khôn lắm. Trường phát động mua vé số từ thiện, mỗi vé hai ngàn đồng. Có em không những không mua mà còn thỏ thẻ: "Nhờ cô mua hộ". Có em viết giấy hồn nhiên nhét vào tay cô giáo: "Chúng em ăn kẹo suốt ngày ngán quá hay là cô đừng mua kẹo mà bỏ mỗi phong bì một ngàn đồng cho tụi em đi". Thật là ngộ nghĩnh!

Thực tế không hẳn sinh viên nào đi thực tập cũng gặp những tình cảnh éo le, dở khóc dở cười như trên. Những bạn về thực tập ở Trường THPT Phan Bội Châu ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam kể lại rằng, năm nào có sinh viên về trường thực tập, thầy hiệu trưởng đều tổ chức một buổi đón tiếp thân mật.

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, thầy thẳng thắn: "Tuyệt đối sinh viên không được tặng quà hoặc mời thầy cô giáo đi chơi dù dưới bất kỳ hình thức nào". Thầy giải thích: "Đang là sinh viên không làm gì ra tiền, còn ăn ké vào gia đình, không nên lãng phí vô ích".

Thế nhưng không phải nơi nào cũng tuyệt vời như vậy. Một sinh viên sau khi trải qua "kỳ thực tập kinh hoàng" đã đúc kết: "Sinh viên đi thực tập, công tác ngoại giao là chính, năng lực có đáng là chi!". Nghe sao mà chua xót quá!

Theo Bình An - Ngọc Lâm
Báo Thanh Niên

MỚI - NÓNG