Ký túc xá cho Sinh viên: Thiếu cả đất lẫn tiền!

Ký túc xá cho Sinh viên: Thiếu cả đất lẫn tiền!
Sau 4 năm "thai nghén", đề án giải quyết chỗ ở cho SV các trường ĐH và CĐ đến năm 2010 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2005 vừa qua. Thế nhưng khi triển khai lại thiếu cả đất và tiền.
Ký túc xá cho Sinh viên: Thiếu cả đất lẫn tiền! ảnh 1

KTX do tỉnh Tây Ninh đầu tư xây dựng trong khuôn viên ĐHQG TP.HCM. Ảnh: Minh Giảng

Liệu các khu KTX cho SV có trở thành hiện thực hay chỉ là những dự án trên giấy tờ? Về vấn đề này, ông Trần Duy Tạo - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD - ĐT), cơ quan trực tiếp quản lý và triển khai đề án - cho biết:

Tuy thời gian thực hiện đề án được Chính phủ phê duyệt là từ năm 2005 - 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng, nhưng đề án chỉ chính thức được cấp kinh phí thực hiện từ năm 2006.

Mục tiêu của đề án là chỉ trong bốn năm từ 2006 - 2010 phải phấn đấu đảm bảo chỗ ở cho khoảng 60% tổng số SV hệ dài hạn tập trung có nhu cầu ở nội trú của các trường ĐH, CĐ với diện tích chỗ ở và sinh hoạt bình quân khoảng 3m2.

Trong khi đó, hiện nay các trường ĐH, CĐ mới đáp ứng được khoảng 25 - 30% chỗ ở cho những SV có nhu cầu nội trú. Trong đó nhiều khu KTX xây dựng quá lâu đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.

Nhu cầu KTX cho SV đặc biệt căng thẳng khó khăn đối với các trường ở Hà Nội và TP.HCM. Theo tính toán của chúng tôi, để đáp ứng mục tiêu kể trên, từ nay đến năm 2010 cần xây mới khoảng 970.000 m2 KTX, đồng thời cần cải tạo nâng cấp khoảng 730.000 m2.

Lần đầu tiên hàng ngàn tỉ đồng được dành riêng cho mục tiêu xây dựng KTX cho SV, tại sao Bộ GD - ĐT vẫn đánh giá khi thực hiện đề án sẽ gặp rất nhiều khó khăn?

Trong đề án đề cập vốn đầu tư gồm nhiều nguồn vốn. Nhà nước chỉ đảm bảo 50%, còn lại xã hội hóa từ các nguồn khác: địa phương, nhà trường tự có, đầu tư của doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức hỗ trợ, vốn vay…

Ngân sách nhà nước sẽ chủ yếu đầu tư cho các trường thuộc các địa bàn khó khăn do bộ, ngành trung ương quản lý. Nhưng ngay cả khi giới hạn phần đầu tư từ ngân sách như vậy, trước mắt ngân sách nhà nước cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Năm 2006 bắt đầu thực hiện đề án, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận cấp 80 - 100 tỉ đồng để thực hiện đề án này. Trong những năm tiếp theo, kinh phí đầu tư có thể tăng nên để trong ba năm còn lại có thể chi hàng ngàn tỉ đồng, tôi cho là rất khó.

Tuy là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng không thể “cắt” từ phần chi ngân sách cho giáo dục hằng năm. Hàng ngàn tỉ đồng còn lại huy động bằng xã hội hóa cũng sẽ rất khó khăn. Kinh nghiệm của chương trình kiên cố hóa trường, lớp học cho thấy rất rõ.

Nhưng tôi cho rằng khó khăn lớn nhất khi muốn xây dựng KTX cho SV không chỉ là tiền mà là đất. Đặc biệt, đối với Hà Nội và TP.HCM - hai thành phố đang rất bức xúc về nhu cầu KTX cho các trường ĐH, CĐ - có tiền cũng chưa xây dựng được vì không có đất.

Để có đất xây KTX theo đúng yêu cầu (qui mô và địa điểm phù hợp qui hoạch phát triển của trường), tiền giải tỏa là một con số kinh khủng, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng cho một khu KTX.

Cả đề án cũng không kham nổi chứ đừng nói đến bản thân một nhà trường. Với khoản kinh phí đầu tư của đề án đã được phê duyệt, vốn tự có của các trường… không thể lo nổi đất xây KTX.

Ví dụ như Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, dự án có, đã có quyết định cấp đất, có qui hoạch nhưng không thể giải phóng được mặt bằng để xây dựng vì kinh phí đền bù giải tỏa cho dân quá lớn, bộ và trường không thể có nổi.

Chúng tôi xác định để xây được KTX, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, trước hết là phải có đất. Việc này mình Bộ GD - ĐT, chỉ riêng đề án không thể giải quyết được, phải có sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, của chính quyền các địa phương…

Nhưng thưa ông, trong đề án có mở một hướng mới là khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, quản lý KTX SV. Nguồn vốn cũng được xác định bao gồm cả nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân chứ không chỉ trông chờ vào Nhà nước?

Có thể nói xây dựng KTX có đặc trưng so với các công trình xây dựng khác là phải đảm bảo chất lượng, đồng thời phải có mức giá thuê hợp lý. Người có nhu cầu ở KTX thường là con em nông thôn, trong đó một tỉ lệ không nhỏ là những đối tượng nghèo hoặc ít nhất cũng gặp khó khăn.

Khả năng chi trả chỗ ở của các SV này không thể cao hơn quá nhiều so với mức phí ở KTX hiện nay. Trong khi đó kinh phí xây dựng cần hàng chục tỉ đồng, các nhà đầu tư cần lợi nhuận, cần thu hồi vốn trong khoảng thời gian càng ngắn càng tốt.

Vì thế nếu tính toán có lợi, tư nhân và doanh nghiệp mới đầu tư. Nhưng với mức giá đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư thì SV lại không thuê được. Vì vậy mà đã có không ít doanh nghiệp để ý đến việc đầu tư KTX nhưng chưa có đơn vị, cá nhân nào chịu bỏ vốn đầu tư.

Khó khăn như vậy liệu mục tiêu của đề án đến năm 2010 có khả thi? Phải có một hướng giải quyết nào đó cho vấn đề chỗ ở của SV các trường ĐH, CĐ chứ không lẽ Bộ và các trường đành bó tay?

Năm 2006, Bộ Tài chính chấp thuận cấp 80 - 100 tỉ đồng để thực hiện đề án này trong năm đầu tiên. Khởi đầu là vậy, chúng tôi hi vọng trong những năm tiếp theo kinh phí đầu tư sẽ nhiều hơn.

Mặt khác, không chỉ trông chờ vào đề án, một số trường ĐH trực thuộc Bộ trong những năm gần đây đã được ưu tiên cấp kinh phí từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu để xây dựng KTX như ĐH Sư phạm 2, ĐH Đà Lạt...

Có một hướng giải quyết rất khả thi, hiệu quả lâu dài và đã được thực hiện ở một số trường ĐH phía Nam: các địa phương đầu tư kinh phí xây dựng KTX tại các trường ĐH cho con em tỉnh nhà.

Trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ vận động nhân rộng cách làm này. Hiện các tỉnh phía Bắc chưa nhận thức được đây là một cách đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho con em mình nên chưa có địa phương nào thực hiện.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.