Kỳ vọng quyết sách của Hội nghị Trung ương 6

Kỳ vọng quyết sách của Hội nghị Trung ương 6
TP - Các nhà quản lý, các thầy cô giáo cho rằng: Hội nghị Trung ương 6 đưa 2 vấn đề khoa học và giáo dục vào làm nội dung bàn thảo cùng với các vấn đề quan trọng khác là một tín hiệu đáng mừng cho ngành GD&ĐT.

> Không thể chậm trễ

Những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách của hội nghị, vào những việc “cần làm ngay”.

Một trong những yêu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên cần đào tạo lại (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Một trong những yêu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên cần đào tạo lại (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nếu để đến năm 2015 là quá muộn!

Ông Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý học HN, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, GD Việt Nam có quá nhiều thứ phải làm, vì vậy ông kỳ vọng hội nghị trung ương lần này chỉ ra định hướng để ngành GD&ĐT có thể có những việc phải làm ngay và làm ngay theo lộ trình. Nếu để đến năm 2015 thì e rằng quá muộn.

Theo ông Tùng Lâm, đổi mới căn bản toàn diện GD cần làm ngay những việc sau: Người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm ở cả trung ương và địa phương, không nên có cơ chế chỉ trông chờ tham mưu và phải quyết, phải biết sốt ruột và không cụ thể không ai chịu trách nhiệm; Từng cơ sở có quyền tự chủ; Đối với đội ngũ giáo viên phải được thay đổi và cải tiến theo hướng sau đây: Giáo viên phải được đào tạo lại, những giáo viên không đủ trình độ phải được thải loại (chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều: số đạt yêu cầu chưa đến 50%). Bên cạnh đó, tiền lương phải được cải tiến để người thầy giáo có thể tập trung cho giáo dục.

Giáo dục không chỉ là trang bị kiến thức

Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG HN nhấn mạnh vào sự phát triển tự phát của các trường ĐH.

Ông Nhuận nói: Giáo dục ĐH là đào tạo ra con người và luôn tự đổi mới; đó là quá trình tự nhiên, không phải áp đặt.

Đột phá lớn nhất của thế giới là cách đây 200 năm, xuất hiện mô hình hoạt động ĐH nghiên cứu.

Mô hình này có 2 khía cạnh: Tạo ra con người và tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nước Đức đi đầu triển khai mô hình này và nước Mỹ là nơi ứng dụng thành công nhất.

Ông Mai Trọng Nhuận đề xuất: Đổi mới GD ĐH hiện nay là đổi mới cơ bản quản trị ĐH trong đó có đổi mới quản lý nhà nước, trao quyền tự chủ cho các ĐH, tạo ra thể chế và chính sách để tự đổi mới, phát huy nguồn lực.

Ông Nhuận nhấn mạnh cần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để đổi mới đạt mục tiêu nói trên; đổi mới cơ bản phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất tầm nhìn, năng lực sáng tạo, kỹ năng trên một nền kiến thức cần thiết, khác với trước đây khi mà giáo dục chỉ trang bị kiến thức.

Ông Mai Trọng Nhuận cho rằng, đổi mới ĐH cũng phải theo hướng đổi mới phổ thông thì mới giảm được hình ảnh 7kg sách trên lưng trẻ lớp 1 mà người lớn vẫn lo: không đủ!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG