'Lạc trôi' vào đề Văn: Không có tính giáo dục

TP - Mới đây, đề thi môn Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa bài hát “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vào phần đọc hiểu gây nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng. Nhiều giáo viên, học sinh cho rằng: Đề chỉ nhằm hút sự chú ý, đoạn trích không hay và không có tính giáo dục.

Đề thi được cho là giáo viên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc ra để khảo sát chất lượng THPT Quốc gia lần thứ 3 trong năm học này. Trong đó, ở phần đọc hiểu (3 điểm), giáo viên đã đưa ra  đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” và đặt ra 4 câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, tìm từ Hán - Việt, tìm ra thông điệp của của đoạn trích. Điều đáng nói, đoạn trích có những từ ngữ được cho là tối nghĩa như: “Người theo hương hoa mây mù giăng lối/Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi/ Đơn côi mình ta trong vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn/ Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi...Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/ Ta lạc trôi giữa trời”.

Sau đó đề thi được lan truyền với tốc độ chóng mặt và đã gây ra nhiều tranh cãi. Nguyễn Như Hoa, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội bình luận trên facebook: “Tuy trẻ nhưng không phải ai cũng từng nghe bài hát của ca sĩ Sơn Tùng. Hơn nữa, khi phân tích lời của bài hát rất tối nghĩa, khó để phân tích và khó rút ra được thông điệp từ
đoạn trích”.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, xu hướng gần đây, một số giáo viên ra đề thường chạy theo các vấn đề hot, ca sĩ nổi tiếng nhằm tạo cái mới và thu hút sự chú ý. Và đề Văn của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa bài hát “Lạc trôi” vào đề thi không phải là một ngoại lệ vì trước đó cũng có trường đưa ca sĩ này vào đề thi Vật lý. Tuy nhiên, cô Thanh cũng cho rằng, với phần đọc hiểu không nhất thiết phải ra các tác phẩm trong sách giáo khoa nhưng ở ngoài không thiếu tác phẩm hay để lựa chọn.

Cô Thanh chia sẻ: “Đã từng nghe bài hát “Lạc trôi” nhưng không nghe được gì ngoài hai chữ “lạc trôi”, còn lại cả bài hát ca sĩ hát không nghe được gì cả vì thế đề yêu cầu học sinh rút ra thông điệp e là rất khó”. Cô Thanh cũng cho rằng, đề thi môn Ngữ Văn vốn hay gây tranh cãi nên phải hạn chế ra những gì không rõ ràng. Nhất là phần đọc hiểu, giáo viên chỉ nên ra những trích đoạn có ngôn từ trong sáng, dễ hiểu và có tính giáo dục cao.

Trước đó, tại cuộc họp sơ kết học kỳ I do Bộ GD&ĐT tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông ông Vũ Đình Chuẩn yêu cầu lãnh đạo các Sở GD&ĐT chấn chỉnh việc giáo viên cập nhật các vấn đề thời sự vào đề thi nhưng không hợp lý. Theo ông Chuẩn, không phải vấn đề gì nóng, thời sự cũng đưa được vào đề thi.

MỚI - NÓNG