Làm bài thi, không nên "tham bát, bỏ mâm"

Làm bài thi, không nên "tham bát, bỏ mâm"
TPO - Theo tư vấn của một số giáo viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh không nên sa đà vào câu khó, mà tập trung giải những phần "ngon ăn" để chắc điểm.

>> Thí sinh đổ đến trường thi làm thủ tục

Không sa đà vào câu khó

Làm bài thi, không nên "tham bát, bỏ mâm" ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương. Ảnh: Đỗ Hợp 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương - giảng viên khoa Toán - Tin, Khối chuyên Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): Với đề thi môn Toán, thí sinh nên ưu tiên câu có thể làm được ngay và bỏ qua những câu khó, chưa nghĩ ra cách giải. 

Các em không nên sa đà vào câu khó, làm đến đâu, chắc đến đấy. Cố gắng làm trọn vẹn, tìm được đáp số cuối cùng, không nên tính toán quá kĩ ở bước trung gian, dễ mất thời gian.

Các em có thể làm bài thi không cần theo thứ tự của đề, giải được câu nào thì chọn làm trước. Vì thế, khi nhận đề thi, cố gắng đọc thật kỹ để phân định các dạng bài quen thuộc, dễ làm.

Trong trường hợp làm bài nháp, thấy câu khó và "tắc" thì nên chuyển qua câu khác dễ hơn, sau đó còn thời gian, trở lại giải tiếp.

Nếu thấy đề thi không quá khó, các em cũng không nên chủ quan, nên cẩn thận. Cố gắng sử dụng thời gian thi 180 phút hợp lý. Các em nên để khoảng chục phút cuối kiểm tra sai sót, cũng như xem lại bài làm. 

Một lưu ý với thí sinh: Làm tuần tự theo ba bước: đặt điều kiện, giải bài và kết luận.

Bám sát kiến thức sách giáo khoa 

Làm bài thi, không nên "tham bát, bỏ mâm" ảnh 2
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thạch Văn. Ảnh: Đỗ Hợp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thạch Văn - Chủ nhiệm khối chuyên Hóa - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): Các em nhớ bám sát những kiến thức trong sách giáo khoa, vì đề thi thường hỏi những vấn đề cơ bản trong sách.

Để làm được điều này, trước hết, thí sinh phải hiểu bản chất vấn đề mình học, trên cơ sở đó,  mua thêm những cuốn sách tham khảo để làm sâu vấn đề.

Biết hệ thống kiến thức, suy đoán nhanh, có thủ thuật khi làm bài, sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao môn Hoá.

Trong quá trình làm bài, chắc chắn sẽ gặp những bài toán mất nhiều thời gian nhưng không tìm ra hướng giải. Khi đó, các em đừng cố, mà tạm thời chuyển sang câu khác. 

Trước ngày thi một, hai hôm, các em nên hệ thống lại các nội dung, liên kết các mảng kiến thức khác nhau trong chương trình, ghi nhớ những công thức hay quên...

Môn Hóa được xem gỡ gạc điểm của khối A. Lời khuyên cho các thí sinh là tập trung trong thời gian thi. Đừng nghĩ năm trang đề thi của môn Hóa là dài, nhìn thấy “choáng”.

Nếu khi hết giờ, vì mải mê làm câu khác, chưa hoàn thiện bài thi, cũng không nên để trống, mà điền hết kết quả vào bài thi trước khi nộp bài.

Tối 2/7, chương trình tư vấn, hỗ trợ mùa thi với chủ đề “Căng thẳng mùa thi - nhận diện và ứng phó” diễn ra tại Ký túc xá Mễ Trì - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng chục chuyên gia tâm lí tư vấn cho thí sinh về những vấn đề: Giải tỏa stress, hướng dẫn cách làm bài thi hiệu quả...

Đỗ Hợp ghi

MỚI - NÓNG