Làm đề thi: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Thầy Nguyễn Phương Sửu. ảnh: Nghiêm Huê
Thầy Nguyễn Phương Sửu. ảnh: Nghiêm Huê
TP - Làm đề thi được coi là khâu “khoai” nhất trong mỗi kỳ thi, nhất là kỳ thi cấp quốc gia, vì đề thi được coi là bí mật nhà nước, lộ đề có thể sẽ bị xử lý hình sự. 

Những người làm đề có lẽ cũng phải tập luyện cho mình thần kinh “thép” để chịu đựng căng thẳng, sự cố ngoài mong đợi.

Nhà giáo Nguyễn Phương Sửu, cựu giảng viên ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN, người có kinh nghiệm hơn 10 năm ra đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung, coi làm đề thi là một trong những trải nghiệm thú vị trong sự nghiệp giáo dục của mình.

Theo thầy Sửu, những trải nghiệm này không phải ai cũng trải qua, nhưng quả thật không phải ai cũng có thể vượt qua một cách dễ dàng, nhất là với những người lần đầu làm đề. Những người đi làm đề thường nói là đi trại “làm đề”. Vì đúng là “trại”, nơi nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thầy Sửu cho hay, không biết hiện nay công tác ra đề thi được Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tiến hành như thế nào, vì thầy đã nghỉ từ năm 2016, nhưng trước đây, thời còn 3 chung, tất cả những người được mời vào “trại” làm đề đều không được báo trước, đến thời gian làm đề sẽ được ban ra đề của bộ gọi bất thình lình. Vì vậy, có một năm thầy không tham gia tổ ra đề tiếng Anh vì đang đi nghỉ.

Trước khi vào “trại”, mọi người sẽ được quán triệt tinh thần không được  mang bất kỳ một vật dụng gì có thể ảnh hưởng đến quá trình bảo mật. Các môn thi đều được ban ra đề chuẩn bị sẵn tài liệu, cần gì thì nói để họ chuẩn bị thêm. Ban ra đề cũng chuẩn bị các dữ liệu cho tổ ra đề. Với môn ngoại ngữ, đó là sách tra cứu, sách ngữ pháp, SGK phổ thông đang dạy để tránh những câu hỏi vượt ngoài chương trình hoặc những câu hỏi có sẵn trong SGK hoặc bài học thêm không được phép đưa vào đề thi.

Thầy Sửu cho hay, khi vào “trại”, bao giờ  cũng có động tác kiểm tra an ninh giống như trước khi lên máy bay. Tất cả thiết bị điện tử sẽ được tắt nguồn, dán niêm phong, gửi tại ban bảo vệ, khi nào ra thì sẽ được trả lại. Về an ninh thì đủ biện pháp để đảm bảo. Thậm chí có cả cột phá sóng quanh khu vực làm đề. Tóm lại, chỉ được mang quần áo đi theo. Nếu có mang sách thì cũng sẽ được kiểm tra rất kỹ, an toàn mới được mang vào.

Cắt mọi phương tiện liên lạc

Thầy Sửu kể, ở “trại” làm đề, mọi điều kiện sinh hoạt đảm bảo tốt, thậm chí có đủ phương tiện thể thao. Nhưng có lẽ “khổ sở” nhất là chỉ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua cái ti vi. Không điện thoại, không máy tính. Công an gác vòng trong vòng ngoài. Vì lý do nào đó bất khả kháng phải gọi điện thoại ra ngoài thì sẽ phải đăng ký, gọi máy bàn, có công an ngồi chứng kiến, ghi biên bản và có ghi âm. Đang ăn ngủ bằng điện thoại, tự nhiên bị cách ly hoàn toàn, thời gian đầu, ai cũng thấy khó chịu. Nhưng rồi cũng quen khi mọi người tập trung cho công việc.

Trong quá trình làm đề, việc tranh luận diễn ra thường xuyên, đôi khi gay gắt ở một số môn nào đó. Tuy nhiên, thầy Sửu cho biết, do cách xử lý bình tĩnh và cẩn trọng nên tổ của thầy rất “êm”. Soạn một đề thi tốt tốn nhiều công sức, soạn một đề “cho cả làng vui vẻ” thì chẳng đáng để bàn.

“Tôi là “kép trưởng” của tổ tiếng Anh, tôi  phân công công việc theo thế mạnh mà mỗi thành viên tự nhận thấy mình có. Như thế, các thành viên rất vui vẻ, không bị áp đặt. Khi đi đến thảo luận thống nhất thì sẽ dùng chuyên môn của mình để lựa chọn” - thầy Sửu nói. Để ra được 1 đề thi thật và 2 đề dự phòng, không đơn giản chỉ là thí sinh sẽ thi trong 60 phút hay 90 phút. Thầy Sửu nhẩm tính, với môn tiếng Anh, tổ của thầy gồm khoảng 10 người, mỗi ngày làm việc 10 tiếng, tương đương 100 tiếng mỗi ngày và phải làm trong ít nhất 10 ngày mới ra được 3 đề thi, tức là tổng số thời gian làm việc của các thầy là 1.000 giờ.  Nhưng đó chưa phải là điều đáng nhớ nhất đối với những người làm đề.

Có lẽ, thời gian thi mới là lúc căng thẳng nhất đối với mỗi người làm đề. Chỉ mấy ngày thôi, ai cũng trong trạng thái căng như dây đàn. Thầy Sửu nói rằng, sợ nhất khi có chuông điện thoại reo trong những ngày diễn ra kỳ thi. Tất nhiên, với vai trò là “kép trưởng”, lúc nào thầy cũng quán triệt các thành viên trong tổ quan điểm: càng có sự cố càng phải bình tĩnh. Vì chỉ có bình tĩnh mới giải quyết được sự việc.    

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.