Làm gì để hiện thực giấc mơ 23.000 tiến sĩ?

TP - Một tiến sĩ đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Hà Nội trăn trở cần phải rà soát đội ngũ tiến sĩ được thụ hưởng học bổng nhà nước đã làm được những gì sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh.

Theo PGS.Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nguyên nhân mà đề án 911 không đạt mục tiêu tuyển sinh đó là do học bổng cấp cho các nghiên cứu sinh (NCS) trong nước và du học quá thấp, không hấp dẫn. Điều này dẫn đến tình trạng NCS không mặn mà với học bổng của nhà nước.

Tuy nhiên, một NCS được nhận học bổng đi làm tiến sĩ ở nước ngoài hiện là tiến sĩ đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết học bổng đi nghiên cứu với nhiều người đó là cơ hội đổi đời. “Nếu không có những đề án như 322, 356 hay 911, tôi cho rằng không những tôi mà còn nhiều người khác không thể có được như ngày hôm nay” – vị TS trẻ khẳng định. Anh cũng cho biết, là người được thụ hưởng từ một trong số đề án này, khi trở về nước anh luôn trăn trở một điều phải làm được gì cho trường khi mà “ngốn” hết hơn 1 tỷ đồng để có được tấm bằng tiến sĩ ở một trường ĐH danh giá. “Theo tôi, để đề án 911 tiếp tục thực hiện được hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ tiến sĩ đã từng được cấp học bổng đi đào tạo tiến sĩ bằng các đề án trên. Phải có được con số chính xác có bao nhiêu người trở về làm việc tại các trường ĐH. Nhưng điều quan trọng hơn, phải xem họ đã có được bao nhiêu công trình nghiên cứu kể từ khi về nước làm việc. Nhận tiền của nhà nước đi du học, khi về nước, tôi cho rằng cần phải có trách nhiệm để cống hiến, đạt được những gì mà trường, cũng như Bộ GD&ĐT đã kỳ vọng” – vị tiến sĩ này cho hay.

Vấn đề chất lượng của các tấm bằng tiến sĩ cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát lại chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong nước. Thời gian qua, một số cơ sở không đảm bảo điều kiện đào tạo để có chất lượng. Ví dụ Học viện Khoa học xã hội vừa được thanh tra Bộ GD&ĐT thanh tra và kết luận những sai phạm trong đào tạo.  Theo đó, từ tháng 1/2014 đến hết tháng 4/2015, Bộ GD&ĐT đã thẩm định 185 luận án tiến sĩ và 288 hồ sơ NCS đã bảo vệ cho thấy, có 21% số hồ sơ thẩm định còn thiếu sót; có năm luận án bị đánh giá không đạt yêu cầu phải tổ chức hội đồng để thẩm định chất lượng.

Với đề án 911, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ  qua kiểm toán, một số trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng. Thừa nhận những hạn chế, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện có tổng số khoảng 24.500 tiến sĩ, trong đó có 16.514 tiến sĩ đang giảng dạy trong các trường ĐH. Tuy nhiên, những năm qua, do nguồn lực đầu tư thấp, thiếu điều kiện nghiên cứu khoa học khiến luận án tiến sĩ kém chất lượng, chưa được xã hội và người sử dụng nhân lực tin cậy.

Vẫn cần tiến sĩ

Theo lãnh đạo các trường ĐH thì thời gian tới, các trường vẫn cần bổ sung đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Theo PGS. Trần Văn Tớp,Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là  62%, cao nhất cả nước. Với số nghiên cứu sinh đang ở nước ngoài,  có thể đảm bảo đến năm 2020 tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đạt từ 75 – 80%. Trong khi đó, mục tiêu chung là  tất cả giảng viên khi đứng lớp phải có trình độ tiến sĩ. Như vậy để thấy nhu cầu tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo ĐH vẫn còn đang rất nhiều. Bởi vì, con số chung mới chỉ đạt xấp xỉ 21%.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911 tập trung thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài; tạo cơ chế, chính sách để các tiến sĩ làm việc tốt. Kinh phí của đề án không đưa về địa phương, cơ sở đào tạo nào mà đưa trực tiếp cho người đạt được học bổng. Việc đổi mới cơ chế quản lý đào tạo tiến sĩ khác với cách làm truyền thống, không nhất thiết phải dùng hết tiền được duyệt mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không bảo đảm thì trả lại Nhà nước. Đề án mới cũng chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học, Bộ GD&ĐT chủ yếu đưa ra cơ chế chính sách đề xuất định mức và có điều chỉnh kinh phí của suất đào tạo trong nước và nước ngoài hay các vùng miền cho phù hợp. Khuyến khích các cơ sở trong nước liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, hướng dẫn NCS, không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài đào tạo.  

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. Theo đó, Quốc hội quyết định tiếp tục chi một phần tiền cho đề án 911 về đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.