Làm gì để “vùng trũng” về giáo dục ĐBSCL bứt phá?

Làm gì để “vùng trũng” về giáo dục ĐBSCL bứt phá?
TP - Ngày 8/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị giao ban lãnh đạo Sở GD&ĐT 12  tỉnh ĐBSCL với mục đích tìm ra một hướng đi mới cho giáo dục ĐBSCL.

Đây luôn bị xem là “vùng trũng” của ngành giáo dục trên cả nước. Dù có nhiều tín hiệu mới khả quan do các tỉnh đề xuất nhưng xem ra, công việc “vẽ lại bản đồ giáo dục” của các tỉnh ĐBSCL còn lắm chông gai.

Thi đua theo hai nhóm

Theo dự thảo kế hoạch hoạt động thi đua do Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đề xuất, khu vực ĐBSCL sẽ thi đua theo hai nhóm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp (Nhóm 1), Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau (nhóm 2).

Theo đó, các Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra chéo, chấm điểm theo các tiêu chí đã được thống nhất và sẽ bình bầu các giải nhất, nhì, ba theo toàn vùng.

Cụ thể, các tiêu chí thi đua tại dự thảo của khu vực ĐBSCL có những điểm mấu chốt: Ít nhất 80% trường tiểu học có thư viện, phòng thiết bị; tỷ lệ huy động trẻ đến độ tuổi đi học so với dân số độ tuổi đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn bậc trung học đạt ít nhất 95%; giải quyết dứt điểm việc ngồi nhầm lớp và tiêu cực do thanh tra hoặc quần chúng phát hiện khiếu nại, tố cáo…

Ông Huỳnh Hổ - GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh - nêu ra một ví dụ: Trong năm vừa qua, tại tỉnh Trà Vinh có đến hơn 90% học sinh THCS bỏ học vì gia đình quá khó khăn, phải chuyển đến các vùng khác làm kinh tế.

Việc học của con em các gia đình tại tỉnh Trà Vinh cũng cực kỳ khó khăn; các em chủ yếu là dân tộc Khmer, gia đình nghèo, đông con. Ông đặt ra một câu hỏi khá mật thiết với việc thi đua: “Đối với các tỉnh khó khăn, sẽ đánh giá thi đua bằng gì?

Cứ mãi như vậy thì đến lúc nào các tỉnh này mới đạt được thành tích và nhận bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT? Theo tôi, cần phải có tiêu chí riêng để đánh giá đối với các tỉnh này”.

Đồng tình với việc thi đua thành hai nhóm, nhưng ông Bùi Văn Dũng - GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang - cũng góp ý: “Thi đua thì phải làm sao cho người đi sau phải mau bằng người đi trước. Nên có cơ chế chiếu cố cho một số tỉnh thì sẽ thuyết phục hơn”.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 20 để đầu tư cho ĐBSCL. Nghị quyết vẫn trong quá trình bàn bạc theo những vấn đề: chi như thế nào, đào tạo hỗ trợ nguồn nhân lực ra sao…

Giáo viên sẽ đánh giá Hiệu trưởng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cho giáo viên đánh giá cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng.

Đây chính là các vị tư lệnh của cuộc vận động “Hai không khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Thực tế tại một số trường thời gian qua cho thấy chỉ thay đổi hiệu trưởng thì tình hình sẽ khác hẳn. Giáo viên sẽ đánh giá hiệu trưởng xem có nên thay đổi hay khắc phục gì không”.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Trong năm nay, trọng tâm cơ bản là khắc phục việc ngồi nhầm lớp, năm 2008-2009 là năm tin học, 2009-2010 là năm ngoại ngữ… Các hiệu trưởng là chủ chốt trong những trọng tâm này.

Vì thế, sắp tới không chỉ hiệu trưởng cấp THPT được bồi dưỡng nghiệp vụ mà hiệu trưởng tất cả các cấp học được bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong tuần này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với Singapore để ký một hợp đồng xây dựng đề án chuẩn đào tạo hiệu trưởng. Tất cả hiệu trưởng sẽ được đào tạo lại và đào tạo bổ sung.

Trong hội nghị, có một vấn đề cũng được khá nhiều đại biểu đề cập là việc giáo viên không đủ chuẩn còn tồn tại khá nhiều. Ông Trương Văn Nghĩa - GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre - nêu lên một thực trạng: “Năm học 2005-2006, tỉnh Bến Tre thống kê được có tất cả 1.300 giáo viên tiểu học bị “dôi” ra. Số lượng giáo viên này khiến Nhà nước chi trả gần 20 tỷ đồng/năm.

Chỉ đến gần đây tình trạng này mới được giải quyết phần nào nhưng chưa thể dứt điểm được”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Cái khó là hướng dẫn của Chính phủ về chính sách và sắp xếp của giáo viên trong ngành chưa rõ. Thực tế là vẫn còn một tỷ lệ nhất định giáo viên chưa đạt chuẩn. Sắp tới chắc chắn sẽ ban hành hướng dẫn liên bộ về sắp xếp đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng”.

MỚI - NÓNG