Tuyển sinh ĐH, CĐ 2008

Làm hai phần tự chọn: Có thể bị điểm 0

Làm hai phần tự chọn: Có thể bị điểm 0
Trong kỳ thi tuyển sinh 2008, thí sinh nào làm cả hai lựa chọn (đã làm hết hoặc không làm hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và phải nhận điểm 0 của môn thi đó - bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, cho biết.

Chiều 30-12, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, cho biết hội nghị tuyển sinh 2008 sẽ diễn ra vào ngày 8-1-2008 tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.

Ba nội dung chính sẽ được tập trung thảo luận là đánh giá công tác thi và tuyển sinh năm 2007; sơ kết 2 năm thực hiện thi bằng phương pháp trắc nghiệm các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học và công tác thi, tuyển sinh 2008.

Thêm 2 môn thi trắc nghiệm: tiếng Đức, tiếng Nhật

Bà Trần Thị Hà cho biết, kỳ thi tuyển sinh 2008 vẫn giữ ổn định như năm trước với “ba chung”: chung đề, chung đợt, chung kết quả.

Điều này đồng nghĩa với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT 2008 vẫn tiếp tục thi trắc nghiệm 100% đối với môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học và sinh học. Các môn toán, văn, lịch sử và địa lý thi tự luận.

Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút. Đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút. Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ được tổ chức trong hai ngày 4 và 5-7, khối thi A; đợt 2 được tổ chức trong hai ngày 9 và 10-7, khối thi B, C, D.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết, sẽ có một vài thay đổi nhỏ. Đó là từ năm nay, bộ sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thêm môn tiếng Đức và tiếng Nhật (hiện mới chỉ thi tiếng Anh, Trung, Nga và Pháp).

Để tránh những rắc rối phát sinh do thí sinh làm cả hai phần đề thi tự chọn, năm nay, quy chế tuyển sinh dự kiến cũng sẽ ghi rõ, đối với phần tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban thí điểm và chương trình không phân ban, thí sinh chỉ được làm một lựa chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban thí điểm hoặc không phân ban.

Thí sinh nào làm cả hai lựa chọn (đã làm hết hoặc không làm hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và phải nhận điểm 0 của môn thi đó. Theo bà Hà, với quy định cụ thể này, các thí sinh sẽ không còn nhầm lẫn khi làm bài cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Từ 2009: Thí sinh phải thi 8 môn?

Theo đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh đang được Bộ GD-ĐT hoàn thiện, từ năm 2009, sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.

Trước mắt, trong ba năm đầu, sẽ tổ chức thi 8 môn (của cả hai kỳ thi hiện nay) gồm ngữ văn, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào tháng 6 hằng năm. Lịch thi sẽ được sắp xếp bảo đảm 8 môn được tổ chức thi liên tục, trong đó các môn thi bắt buộc để công nhận tốt nghiệp được tổ chức thi trước.

Từ năm 2010, mỗi môn thi đều ra đề theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT; không nhất thiết chỉ có nội dung ở lớp 12; không nhất thiết chỉ bám sát sách giáo khoa.

Các môn thi toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ ra đề theo hình thức trắc nghiệm; môn toán thi 90 phút, các môn khác mỗi môn thi 60 phút; môn ngữ văn thi 2 phần: phần tự luận 90 phút và phần trắc nghiệm 30 phút.

Trong đề thi có khoảng 70% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để xét tốt nghiệp và khoảng 30% số điểm ứng với các câu hỏi trong chương trình THPT nhưng khó hơn, để đánh giá trình độ, xét tuyển sinh.

Một năm trước kỳ thi, căn cứ vào khung xét tuyển do Bộ GD-ĐT quy định, trường ĐH, CĐ, TCCN công bố các yêu cầu tuyển sinh do trường đề ra đối với từng ngành đào tạo.

Theo Yến Anh
Người lao động

MỚI - NÓNG