Lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Lạm thu phải xem xét trách nhiệm ba bên: Nhà trường - Ban phụ huynh và phụ huynh học sinh. Ảnh: Ngọc Châu
Lạm thu phải xem xét trách nhiệm ba bên: Nhà trường - Ban phụ huynh và phụ huynh học sinh. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Dù vào năm học đã tròn 1 tháng nhưng quãng thời gian này lại là “cao điểm” của các cuộc họp phụ huynh học sinh và cũng là “cao điểm” của các đợt thu góp.

Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT), hệ thống văn bản quy định liên quan tới các khoản thu góp trong nhà trường đã đầy đủ, nếu nơi nào làm sai nghĩa là nơi đó đã vi phạm pháp luật.

Ông Bùi Hồng Quang nói:

Cho đến nay, tất cả các khoản thu liên quan tới Ban đại diện cha mẹ học sinh đều phải thực hiện theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được ban hành trong Thông tư 55 mà Bộ GD&ĐT ban hành từ tháng 11/2011.

Trước đó Bộ đã có nhiều công văn gửi UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT đề nghị chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học, hiện tượng thường xảy ra đầu năm học mới và thường tập trung ở các thành phố lớn - những nơi có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi.

Thông tư 55 quy định rõ các tổ chức hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như nhiệm vụ quyền hạn của từ ông trưởng ban tới các thành viên trong ban.

Đặc biệt trong thông tư này Bộ cũng quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và quản lý kinh phí này. Từ lâu dư luận rất bức xúc về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh bị lợi dụng để thu góp giúp nhà trường nên trong điều lệ ghi rõ không được thu tiền của cha mẹ học sinh để làm những việc gì.

Trong đó chúng tôi liệt kê khá chi tiết như tiền bảo vệ cơ sở vật chất, trông coi phương tiện, vệ sinh lớp học, khen thưởng cán bộ quản lý giáo viên nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc trang thiết bị đồ dùng dạy học trong trường, sửa chữa nâng cấp xây dựng mới các công trình trong trường, v.v... đây là những khoản không được phép thu góp của cha mẹ học sinh.

Thông tư này là văn bản quy phạm pháp luật, vì thế thông tư đã quy định rồi mà “anh” cứ thu nghĩa là “anh” vi phạm pháp luật.

Dẫu năm nào Bộ cũng nhắc nhở nhưng sai phạm về thu chi vẫn xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Theo ông trách nhiệm này thuộc về ai?

Trách nhiệm đầu tiên là của thủ trưởng cơ sở giáo dục - đào tạo. Khoan hãy nói tới Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoặc giáo viên chủ nhiệm. Chính hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc để xảy ra những chuyện lạm thu, thu góp trái quy định.

Chưa nói tới khả năng hiệu trưởng “ngầm” ra lệnh như nhiều báo phản ánh mà ngay cả trong trường hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên làm sai hiệu trưởng không biết thì hiệu trưởng vẫn là người đầu tiên phải chịu lỗi.

Phải kỷ luật mạnh tay với những hiệu trưởng các trường để xảy ra sai phạm, bên cạnh việc trả lại những khoản thu sai cho học sinh.

Ông Bùi Hồng Quang

Hằng năm, ngoài các văn bản chấn chỉnh ra, Bộ GD&ĐT thường có các đoàn thanh tra đi kiểm tra các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, trong đó có việc kiểm tra thu góp đầu năm tại các cơ sở giáo dục. Sau đó Bộ sẽ có các văn bản khuyến nghị các địa phương chấn chỉnh sai phạm nếu có. Yêu cầu đầu tiên mà Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương phải chấp hành là bố trí đủ kinh phí cho các cơ sở giáo dục đảm bảo cơ cấu chi tối đa 80% cho lương và các khoản có tính chất lương, tối thiểu 20% chi cho các hoạt động giáo dục.

Chúng tôi cũng đề nghị trong công tác đào tạo bồi dưỡng hè hằng năm cho cán bộ - giáo viên là phải đưa những nội dung liên quan tới quy định thu chi vào.

Cá nhân tôi không rõ lắm có bao nhiêu hiệu trưởng, giáo viên nắm được nội dung điều lệ cha mẹ học sinh? Bản thân Ban đại diện cha mẹ học sinh có biết họ hoạt động theo quy định nào? Họ có biết họ được phép làm gì, không được phép làm gì? Những nội dung đó cần được phổ biến cho tất cả những người liên quan biết.

Và bản thân phụ huynh học sinh cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Tại sao phải đóng góp khoản này? Tại sao cũng “xuôi chiều” ủng hộ dù thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh không đủ năng lực, hoặc thấy vô lý vẫn đồng ý đóng góp và sợ những điều vu vơ ở đâu đâu? Tôi nghĩ phải xét trách nhiệm của các bên, kể cả của phụ huynh học sinh.

Dù hằng năm Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức các đoàn công tác đi thanh tra ở các địa phương về hoạt động thu chi nhưng tình hình dường như không mấy biến chuyển, ông nghĩ thế nào?

Hằng năm sau khi đi kiểm tra ở các địa phương, Bộ đều có văn bản thanh tra, trong đó đưa ra các kiến nghị đề nghị địa phương xử lý. Theo quy định phân cấp trong quản lý trách nhiệm xử lý là của địa phương chứ Bộ không kỷ luật được ông hiệu trưởng nào cả. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ có cách để địa phương phải xử lý.

Tôi cho rằng sắp tới, khi Bộ tổ chức họp giao ban với các giám đốc Sở GD&ĐT, cơ quan chức năng cũng sẽ phải tổng kết vấn đề này. Thậm chí nếu thấy cần thiết thì có thể tổng hợp thông tin trên báo chí, chỉ rõ nơi nào ở đâu bị báo chí phản ánh, trách nhiệm của giám đốc Sở thế nào, Sở nào năm ngoái bị báo chí nêu năm nay đã chấn chỉnh được!

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.