Lắp camera, nhờ công an giám sát chấm thi

Giám thị nghe phổ biến quy chế chấm thi (Ảnh: Thanh Hùng)
Giám thị nghe phổ biến quy chế chấm thi (Ảnh: Thanh Hùng)
Hôm nay (7/7), cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu chấm thi THPT quốc gia năm 2016. Để đảm bảo không có tiêu cực xảy ra, ngoài cán bộ thanh tra, trường còn lắp thêm camera và nhờ lực lượng PA83 Công an TP Hà Nội giám sát.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ hoàn tất việc chấm thi trong vòng 1 tuần. Ở cụm thi này, số bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ khoảng trên 12.000 bài/môn, các môn khác ít hơn và môn Lịch sử ít nhất với chỉ 908 bài thi.

Năm nay, trường huy động khoảng 80 cán bộ giảng viên trong trường tham gia chấm bài thi môn Toán và Ngoại ngữ. Ngoài ra trường mời thêm 50 giáo viên THPT có uy tín ở các trường có danh tiếng ở địa bàn Hà Nội để chấm các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí.

“Trường nhận thấy không đủ giáo viên để chấm được nên quyết định mời các thầy cô THPT để đảm bảo công tác chấm thi chính xác, kịp tiến độ”.

Về chấm thi các môn trắc nghiệm, để đảm bảo chính xác, trường nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của Bộ GD-ĐT chấm thi. Số bài thi trắc nghiệm sẽ được chuyển lên đơn vị khảo thí của Bộ và bắt đầu chấm vào ngày mai.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc chấm thi có 2 vòng đảm bảo an ninh, hạn chế tối đa tiêu cực.

“Trường liên hệ để nhờ sự giúp đỡ của lực lượng phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83)- Công an TP Hà Nội để xử lý những sự cố tiêu cực. Ngoài ra ở mỗi phòng chấm thi trường cũng cho lắp đặt hệ thống camera để giám sát”.

Tại cụm thi Trường ĐH Sư Phạm, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước ngày 19/7 sẽ hoàn tất công tác chấm thi.

“Số giảng viên trong trường đảm bảo đủ để chấm tất cả các bài thi các môn nên trường không phải mời thêm các giáo viên trường khác" - ông Trào nói.

Bài làm nhiều cách phải thảo luận cách chấm

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, phó Chủ tịch Hội đồng thi THPT năm 2016, cụm thi Trường ĐH Thủy lợi, năm nay, đề thi được ra theo hướng mở. Vì vậy, rất cần sự linh hoạt, công tâm của các cán bộ chấm thi.

“Rất nhiều khi điểm bài thi phụ thuộc quan điểm chấm, đặc biệt là đối với những môn nhóm Khoa học xã hội không chặt chẽ rõ ràng được như môn Toán. Có thể cùng một ý, nhưng quan điểm của từng giảng viên/giáo viên khác nhau”, ông Thái phân tích. Chính vì vậy, các cán bộ chấm thi cần trao đổi rất chặt chẽ và thường xuyên trong quá trình chấm thi để có thể không làm mất oan điểm của thí sinh.

Cụm thi Trường ĐH Thủy lợi yêu cầu các trưởng bộ môn chấm phải thường xuyên cập nhật, trao đổi với các thầy cô và trên tinh thần chấm thi phải làm sao đảm bảo tính công bằng, hết sức tạo điều kiện có điểm cho thí sinh nếu hợp lý.

TS Trần Khắc Thạc, phó Trưởng Phòng đào tạo nhà trường khẳng định: “Bài làm của các em có thể có nhiều cách làm, nhiều cách thể hiện, nên khi thấy có phát sinh dạng thức, cách làm mới thì thầy cô cần thảo luận họp bàn để thống nhất cách chấm thi”.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.