Lấy bằng cử nhân sau một năm rưỡi học?

Những học sinh lớp 12 này sẽ trở thành cử nhân sau một năm rưỡi rời trường THPT? Ảnh: Hồ Thu
Những học sinh lớp 12 này sẽ trở thành cử nhân sau một năm rưỡi rời trường THPT? Ảnh: Hồ Thu
TP - Có thể lấy bằng cử nhân chỉ sau một năm rưỡi học đại học. Quy định nêu trong dự thảo Luật Giáo dục đại học khiến không ít chuyên gia giáo dục ngạc nhiên.

>> Hệ B trường công 'nặng' mùi thương mại

Những học sinh lớp 12 này sẽ trở thành cử nhân sau một năm rưỡi rời trường THPT? Ảnh: Hồ Thu
Những học sinh lớp 12 này sẽ trở thành cử nhân sau một năm rưỡi rời trường THPT? Ảnh: Hồ Thu.

Theo dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đang được Bộ GD& ĐT lấy ý kiến đóng góp, thời gian đào tạo ĐH được thực hiện từ một năm rưỡi đến 6 năm học; đào tạo cao đẳng (CĐ) từ một năm rưỡi đến 3 năm học; đào tạo thạc sĩ từ một năm rưỡi đến 2 năm học; đào tạo tiến sĩ từ 2 đến 4 năm học.

Không tưởng

GS Phạm Phụ (TPHCM) kinh ngạc: “Đào tạo cử nhân nước ngoài 4 năm với 120 tín chỉ. Ở Việt Nam là 140-160. Nếu hoàn thành đại học trong một năm rưỡi, mỗi năm sinh viên (SV) phải học gần 100 tín chỉ, thời gian đâu mà lên lớp! Trong cả vạn người, thậm chí triệu người may ra có một người có khả năng như vậy”.

GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục đặt ra khả năng: Đây có thể là chiến lược phân tầng SV để họ có thể học dài ngắn khác nhau do hoàn cảnh. “Khả năng khác nhau dẫn đến nhiều bậc chất lượng khác nhau. Do vậy cách sử dụng người cũng phải khác nhau chứ không thể cùng chất lượng”, ông nói. Nhưng Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương gọi đây là “nhiệm vụ bất khả thi” và “không thể tưởng tượng được”.

Nhìn ở góc độ Luật Giáo dục, GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng điều này chưa đúng với Điều 38: “Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 4 đến 6 năm tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ 2 năm rưỡi đến 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến 2 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành”.

Thế giới cũng không thể

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT lấy ví dụ đào tạo ĐH ở các nước phát triển: Mỹ, Đức đào tạo ĐH 5 năm, Nga có xu hướng rút xuống thành 4 năm; các ĐH ở Anh rút ngắn thời gian thì cũng phải mất 3 năm học...

GS Hạc cho biết ông học tập ở nước Nga mấy chục năm mới thấy có một người VN hoàn thành chương trình ĐH 5 năm trong 3 năm là GS Nguyễn Xuân Hãn. Tuy nhiên trường hợp đó là rất hãn hữu. “Thời gian có thể co giãn, tùy theo người học và người dạy nhưng tốc độ cũng phải có giới hạn. Học ĐH trong 1,5 năm là không thể, không có nước nào làm như vậy”, ông nói.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Cách đây 60 năm, hệ phổ thông của Việt Nam là 9 năm và đào tạo ĐH chỉ có 2 năm. Lúc đó lượng kiến thức chưa nhiều, yêu cầu về kiến thức cũng như kỹ năng đối với người có trình độ ĐH còn thấp mới làm như vậy.

Theo ông Thuyết, kiến thức hiện nay ngày càng mênh mông, đào tạo ĐH 4-5 năm mà chất lượng vẫn còn có vấn đề, nên không thể có chuyện chỉ học trong 1,5 năm. “Không thể quy định thời gian học ĐH với biên độ rộng và thời gian tối thiểu ngắn như thế. Đó là chưa kể đến tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện quy định”, ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG