Lều tìm chữ ở xứ Lạng

Lều tìm chữ ở xứ Lạng
TPCN - Sau khi phân trường THPT Pác Khuông được thành lập, bỗng xuất hiện những lán bằng tre nứa đơn sơ, chênh vênh trên sườn đồi, sườn núi. Người dân ở đây gọi là "lều tìm chữ"
Lều tìm chữ ở xứ Lạng ảnh 1
Những học sinh hiếu học ở Pác Khuông (Bình Gia)

Pác Khuông, huyện Bình Gia là xã vùng ba, xa xôi hẻo lánh vào bậc nhất ở tỉnh Lạng Sơn. Từ trung tâm xã đến thị trấn huyện gần 40 cây số. Kể từ năm 2004 khi phân trường THPT Pác Khuông được thành lập, ở gần chợ Háng Pò và dọc đường dân sinh 279 từ Pác Khuông đi Na Rì, tỉnh Bắc Kạn bỗng xuất hiện những lán bằng tre nứa đơn sơ, diện tích chừng 6-7 mét vuông chênh vênh trên sườn đồi, sườn núi.

Gian nan tìm chữ ở vùng cao

Chủ tịch xã Pác Khuông Lương Viết Kiểm, người dân tộc Nùng, năm nay 46 tuổi nhưng nom già trước tuổi khi nói về chuyện học sinh dựng lều để đi học chữ:

“Trong xã có khoảng 250 em, học xen kẽ 2 bậc THCS và PTTH. Các em đến từ các bản làng xa xôi 8 xã phía tây huyện Bình Gia. Có em nhà cách trường 30 km, gần nhất cũng trên 10 km. Đường núi, đường đèo là chủ yếu cuốc bộ, đi “dẻo chân” cũng mất một ngày trời. Cho nên các em cùng cha mẹ dựng những cái lều để tạm trú. Phải đến hơn một nửa các em làm lán, toàn xã có khoảng 70 cái lán với gần 200 em sống xa nhà”.

Vừa nói anh vừa xăng xái đưa chúng tôi đi thăm những căn lều tìm chữ. Trong những góc lán yên tĩnh, những đứa trẻ đang học bài với một niềm tin sẽ được “đổi đời”.

Mới đầu hạ mà cái nóng đã ong ong rất khó chịu, đổ ập xuống những mái lều tuềnh toàng. Cúi khom người chui vào một căn lều thấp lè tè, trước mắt chúng tôi là ba học sinh đang ngồi học trên những thanh tre ghép lại làm giường.

Những thanh tre bổ đôi làm mái lợp không đủ ngăn cái nóng như nung. Xung quanh, củi đóm, xoong nồi, bát đũa, nhiều cái đã sứt mẻ, cáu bẩn. Đàm Văn Đức, người gầy như que củi, học sinh lớp 6, nhà tận bản Yên Lỗ cách trường 20km.

Lều tìm chữ ở xứ Lạng ảnh 2
Liêu xiêu những “lều tìm chữ” trên rẻo cao

Thấy chúng tôi đến, ban đầu còn e ngại sau mạnh dạn dần, Đức kể: “Mấy anh chị em cùng học ở đây, nấu ăn thay nhau, hết gạo thì về nhà lấy. Thỉnh thoảng bố mẹ cho vài nghìn đủ mua muối thôi”.

Nhìn căn lều đun nấu ám khói đen sì, phía trên trông thấy cả bầu trời, tôi hỏi Đức: “Mưa có dột không?”.

Đức tròn xoe đôi mắt trong veo, vô tư trả lời: “Dột lắm, khi mưa thì chạy từ chỗ này sang chỗ kia để trú, bao giờ tạnh thì thôi. Còn điện nước, bọn em xin mắc nhờ nhà bên cạnh, mỗi bóng điện trả 7 ngàn đồng/tháng, nước trả 5 ngàn đồng. Củi, rau thì đi lên rừng kiếm, có ai về nhà thì mang tới tích trữ ăn dần”.

Bữa cơm chỉ có rau và muối. Hôm nào khá hơn thì có con cá mắm khô mặn chát, ăn nhiều bữa. Thế mà nồi cơm nấu gần hai chẩy gạo cho ba người ăn thường sạch bong, không còn cháy.

Vì thiếu chất nên ăn nhiều mới no, vả lại người dân miền núi, đi học băng đồi nên chóng đói cái bụng. Các em tiết kiệm chỉ ăn hai bữa vào buổi sáng và buổi chiều.

Thấy người lạ, bọn trẻ kéo đến vây quanh chúng tôi rất đông. Mà hình như cái gì chúng cũng lạ. Chẳng mấy khi có khách nên các em hỏi đủ thứ chuyện và cười nói thật vô tư, trong veo ánh nhìn.

Trong đám học sinh mái đầu cháy khét vì nắng, tôi để ý đến một cô học trò có đôi mắt rất buồn. Đó là Liễu Thị Nhung, sinh năm 1986, học sinh lớp 11A. Nhung là người dân tộc Tày, trú quán tại bản Khuổi Mè, xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia cách phân trường Pác Khuông trên 30 km.

Cô gái người dân tộc thiểu số này mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khi cô lên 6 tuổi đã mất mẹ, 11 tuổi, do bị sốt rét ác tính người cha cũng bỏ Nhung ra đi. Chỉ còn một mình, nhưng không như con gái bản làng khác sẽ nghỉ học và đi lấy chồng khi đến tuổi dậy thì.

Nhà nghèo, chỉ có 5 sào ruộng, Nhung cho thuê để “đổi gạo” đi học. Liễu Thị Nhung nhìn về phía núi cao Phjia Món. Ngọn núi sừng sững này như là một điểm tựa tinh thần vững chắc cho Nhung vượt khó khăn trong cuộc sống.

Các bạn của Nhung kể, ngoài thời gian học tập, cô thường đi xuống khe suối bắt ốc, bắt cua về làm thức ăn, lên rừng hái những ngọn rau.

Chúng tôi được biết, trong số các em đến đây dựng lều đi học đa phần là người dân tộc thiểu số, nhà nghèo, mỗi năm thiếu ăn hai, ba tháng. Vậy nên chúng rất thương yêu nhau.

Khi có ai ốm đau thì các lán đều biết, đều lo lắng và quyên góp tiền, thức ăn rồi cắt cử người trông coi. Những em nhỏ vùng ba còn hạn chế về nhận thức, trình độ dân trí khá thấp.

Nhưng đổi lại, các em chịu khó học tập. Trong năm học qua, lớp 11A đã có 5 em đạt học sinh tiên tiến, 2 học sinh giỏi, đa phần là số học sinh trọ học. Liễu Thị Nhung liên tục là học sinh tiên tiến từ lớp 5 cho đến nay…

Mong một ngày mai tươi sáng

Chúng tôi cùng mang ghế ra sân để tận hưởng cái không khí thoáng đãng, phóng khoáng của thiên nhiên miền núi Pác Khuông. Em Hoàng Thị Bâu, 15 tuổi, nhà tận xã Thiện Long tâm sự:

Em muốn học thật tốt, mai này được làm cô giáo để mang cái chữ về vùng sâu vùng xa. Cùng với Bâu, các em khác mà chúng tôi có dịp trò chuyện như: Nông Thị Phượng nhà ở bản Nà Tàn, xã Thiện Hòa, Bình Gia, Triệu Thị Yến (sinh năm 1986) và em trai là Triệu Văn Hòa (sinh năm 1987) đều ước mơ trở thành thầy cô giáo, bác sĩ.

Các em còn thích làm nhà báo như chúng tôi để được đi đây đi đó và viết về cảnh đẹp quê hương Pác Khuông…

Ông Lương Văn Kiểm, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật nhà ở xa trụ sở UBND xã nên ông sống cùng con trai trong khu “lều tìm chữ”. Ông Kiểm cho biết: Xã Thiện Thuật có 14 thôn bản, 629 hộ và 3.269 nhân khẩu. Trong xã có 3 dân tộc chính: Tày- Nùng và Dao, dân tộc Nùng chiếm 95%.

Là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào chủ yếu làm nghề nông (trong đó đồi núi chiếm tới 73% diện tích đất canh tác) vậy nên đời sống ở đây rất khó khăn.

Tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí mới lên tới 52%. Cùng với khó khăn về kinh tế, việc học hành của các em học sinh cũng bị cái đói, cái nghèo chi phối. Nhiều người chỉ quẩn quanh với những mảnh vườn, mảnh nương cằn cỗi và cam chịu với đói nghèo, lam lũ không sao thoát ra được.

Hiện trong xã còn nhiều người chưa biết chữ, có nơi người già còn không nói được tiếng Kinh, đọc được chữ phổ thông…Vậy nên, việc các em ở những nơi thâm sơn, cùng cốc trong xã đến dựng lều trọ học là một tín hiệu vui, rất đáng khích lệ.

Các em tự biết phải vươn lên, bứt ra khỏi những lề thói xưa cũ. Ông Kiểm nói: “Xã rất quan tâm đến các em. Trước đây một số thanh niên người bản địa lợi dụng học sinh xa nhà, thiếu người quản lý nên hay gây gổ sinh sự, nhưng các đối tượng này đã bị xã kịp thời nhắc nhở, giáo dục vì vậy tình hình an ninh hiện nay không còn vấn đề gì”.

Nói rồi, chủ tịch xã dẫn tôi đến một quả đồi ở trung tâm Pác Khuông đã được san phẳng giới thiệu: “Nơi đây sẽ có một ngôi trường cấp 3 chính quy. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, tháng 12/2005 công trình đã khởi công và nay đã cơ bản xong mặt bằng.

Với diện tích khoảng 3 ha, ngoài những hạng mục xây dựng trường lớp còn có nơi dành riêng cho học sinh ở nội trú. Và khi đó, các em không phải ở những chiếc lều tạm bợ nữa!”.

Chia tay các em dựng lều để đi học, kiếm tìm cái chữ mong “cái khôn” mau đến với mình mà cả người đi, kẻ ở đều bịn rịn. Chúng tôi tặng Liễu Thị Nhung một ít tiền để em có thể có bữa ăn tươi sau bao ngày “ăn khan” song em cương quyết không nhận. C

hỉ đến khi chủ tịch xã đồng ý em mới cầm mà ánh mắt long lanh như muốn khóc. Chúng tôi mang những hình ảnh về “lều tìm chữ” ở Pác Khuông xuống núi…

Xứ Lạng, đầu tháng 5/2006

Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.