Liên tiếp các vụ dâm ô học sinh: Làm gì để trẻ không đơn độc trong trường học?

Những vụ việc giáo viên dâm ô, sàm sỡ học sinh rất đau lòng
Những vụ việc giáo viên dâm ô, sàm sỡ học sinh rất đau lòng
TPO - Thời gian vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ giáo viên xâm hại học sinh khiến dư luận bức xúc. Đây là lứa tuổi mới lớn rất nhạy cảm, hành vi xâm hại của thầy giáo sẽ ảnh hưởng tâm lý nặng nề về sau. Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, 20% học sinh đang bị rối loạn lo âu, phụ huynh cần đồng hành và chú ý phát hiện các biểu hiện khác lạ của con.  

Tháng 6/2018, toà án nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tuyên mức án 6 năm tù đối với Nguyễn Đình Lê, nguyên là giáo viên Trường tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức. Theo cáo trạng, Lê đã lợi dụng sự non nớt của học sinh lớp 3, do mình chủ nhiệm đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô đối với 7 học sinh ngay tại lớp học thêm ở nhà thầy và có khi ở ngay giờ ra chơi trên lớp học.

Trước đó, khoảng giữa tháng 4/2018, nhiều phụ huynh ở xã An Thượng đã tố giáo viên dâm ô học sinh, trong đó có em đã phải nhập viện cấp cứu.

Tháng 10/2019, Đinh Bằng My cưụ hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bị toà tuyên án 8 năm tù giam vì tội dâm ô với người dưới 16 tuổi và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trong vòng 2 năm từ 2016 - 2018, Đinh Bằng My đã nhiều lần quan hệ tình dục với 9 học sinh nam của trường. Sự việc chỉ được phát hiện khi có nam sinh tố cáo sự việc.

Mới đây nhất là việc thầy giáo dạy Toán Nguyễn Văn Chính, Trường THPT Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) làm học sinh lớp 10 có thai. Trước đó, Nguyễn Việt Anh, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Thượng Hà (Lào Cai) cũng bị tuyên án 8 năm tù giam vì làm học sinh 13 tuổi có bầu.

Nhiều sự việc thầy giáo dâm ô học sinh đau lòng khác nữa cũng đã xảy ra. Và thường khi sự việc được phát hiện thì đã muộn.

Một phụ huynh có con trong sự việc bị thầy giáo dâm ô ở Hoài Đức (Hà Nội) từng chia sẻ đã đóng cửa suốt nhiều ngày liền vì giày vò, ân hận đã không phát hiện sự việc ngay từ đầu. Theo chị T., gia đình chỉ phát hiện sự việc khi các cháu “đau đớn quá” buộc phải họp lại với nhau bàn cách nói với bố mẹ vì trước đó, thầy Lê sau khi dâm ô học sinh đã doạ: “Cấm nói với bố mẹ, nếu không sẽ bị đúp”.

Gần 1 năm học sống trong sợ hãi, có lúc con xin không đi học thêm ở nhà thầy giáo hoặc chuyển trường nhưng bố mẹ cứ nghĩ con lười học nên không đồng ý. “Chỉ khi sự việc bị phát hiện, xâu chuỗi các sự việc lại mới thấy cách đó ít tháng con có tâm lý sợ hãi, hay giật mình, hay cáu gắt, nghe tiếng cửa lạch cạch là co rúm người lại”, chị T nói.

20% học sinh bị rối loạn lo âu

Tuy nhiên cũng có phụ huynh khi phát hiện ra sự việc lại giấu diếm, muốn bỏ qua nhanh chóng để con “không bị mang tiếng”. TS Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong nhiều năm làm việc, ông gặp nhiều khó khăn khi phụ huynh chưa nhận thức đúng về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.

Thông thường các sự việc liên quan đến dâm ô, xâm hại tình dục học sinh, trẻ nhỏ thủ phạm thường là những người quen biết, chiếm được niềm tin của gia đình nạn nhân. Vì thế, gia đình thường mất cảnh giác và khi phát hiện ra sự việc rất bất ngờ. Trong khi bản thân học sinh các em non nớt, thường rất bối rối, hoang mang không biết nên xử lý ra sao khi gặp phải. Những kẻ xấu này khi thực hiện hành vi thường có nhiều thủ đoạn như răn đe, mua chuộc, dụ dỗ thậm chí khống chế, đe doạ để các em không dám nói ra sự thật.

Những hành vi dâm ô, xâm hại trẻ đều để lại những tổn thương rất lớn cho tâm lý nạn nhân. Vì thế, cha mẹ nên để ý những thay đổi về mặt cảm xúc của trẻ, ví dụ như đang bình thường con bỗng trở nên nhạy cảm, hay cáu gắt, thu mình, cảnh giác với những người xung quanh. Làm bạn cùng con và giải thích cho con hiểu, trong tất cả các tình huống, con không có lỗi và con được pháp luật bảo vệ.

Theo TS Nam, giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em phải được bắt đầu khi các em khoảng 3 tuổi. Cha mẹ phải dạy con biết lên tiếng khi cần thiết và nói với bố mẹ, người thân để có phương án giải quyết. Đặc biệt, nhà trường cần có đường dây nóng cho học trò có thể thông tin sự việc mà yên tâm không lo bị trù dập, doạ dẫm.

Theo một khảo sát mới đây, tỷ lệ trẻ học đường đang bị rối loạn lo âu khoảng 20% và có chiều hướng gia tăng. Các lo câu liên quan đến các vấn đề như: Quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu thể hiện bản thân…

Điều đáng nói, vấn đề tham vấn tâm lý ở trường học hiện vẫn là khoảng trống. Dù các trường hiện nay đã xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng nhiều học sinh không nhờ đến sự hỗ trợ, can thiệp của đội ngũ này. Một phần nguyên nhân do giáo viên kiêm nhiệm nhiều việc, không nhận biết được dấu hiệu tổn thương của học sinh.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ không chấp nhận bất cứ hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nào trong ngành, dù là nhỏ nhất. Ông Minh cho biết, để khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức.

Các biện pháp đã ban hành bằng văn bản nhưng xem ra những tổn thương cả thể xác và tinh thần của học sinh vẫn chưa giảm. Đã đến lúc ngành giáo dục phải có những biện pháp quản lý căn cơ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức đoàn, hội tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ học sinh.

MỚI - NÓNG