Lỗ 40 tỷ đồng và chuyện chấm dứt độc quyền biên soạn SGK

Doanh thu và lợi nhuận bán SGK của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2015-2017
Doanh thu và lợi nhuận bán SGK của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2015-2017
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK và không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý, đưa nhiều kiến thức vào SGK.

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa thông tin về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK).

Một trong những nội dung đáng chú ý do ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp là, giá bán SGK trong 8 năm qua (từ năm 2011) đều không thay đổi. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.

NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng. Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK.

Thông tin trên đã khiến dư luận lo lắng về việc tại sao trong nhiều năm NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép xuất bản SGK nhưng lại bị lỗ như vậy. Trong khi đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải  cho biết, mỗi năm, phụ huynh phải bỏ 1.000 tỷ mua SGK nhưng chỉ dùng một lần nên rất lãng phí.

Cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK

Trước những thông tin trên, nhiều chuyên gia giáo dục đã có những ý kiến khác nhau về việc biên soạn, in ấn để giảm chi phí cho Nhà nước và nhân dân.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng,  từ trước đến nay, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền biên soạn SGK nên đã có chuyện cố gắng để được trúng thầu.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đơn vị nào trúng thầu có thể xảy ra tiêu cực mà không kiểm soát được. Hơn nữa, nếu chỉ có một nơi biên soạn SGK thì ngân sách Nhà nước phải bao cấp, hỗ trợ còn rất lớn. Những điều này cũng sẽ gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước nếu có sự thua lỗ. Vì vậy, cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK.

Theo ông Viết Khuyến, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ góp phần giảm kinh phí của của Nhà nước phải bao cấp cho việc in ấn SGK.

Nhiều nhà xuất bản được phép biên soạn, phát hành SGK sẽ góp phần chống độc quyền. Họ phải cạnh tranh về chất lượng nội dung, giá cả để biên soạn những bộ sách phục vụ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Ví dụ như có sách vẫn cho học sinh làm bài tập luôn vào đó để phục vụ học sinh có nhu cầu. Ngoài ra, có sách sử dụng được lâu dài, học sinh năm sau có thể sử dụng được năm trước, không thể viết, làm bài tập vào đó được. Việc lựa chọn sách của nhà xuất bản nào thì nên cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện.

Còn việc có bao nhiêu loại sách đảm bảo chất lượng được in ra thị trường phục vụ học sinh thì Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định SGK cũng như các đơn vị liên quan sẽ có trách nhiệm thẩm định, giám sát.

Không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý SGK

Hiện nay, có thực tế là đến năm học mới, phụ huynh học sinh đều được thông báo đăng ký mua SGK ở trường học. Việc kêu gọi đăng ký mua sách ở trường học đã phần nào tạo áp lực cho phụ huynh trong việc mua sách  mới.

Mỗi năm có sự chỉnh lý, bổ sung kiến thức vào trong SGK tuy không nhiều nhưng phần lớn phụ huynh lại nghĩ là cần dành những gì tốt nhất cho con nên cố gắng mua sách mới. Tuy nhiên, một bộ sách có giá vài trăm nghìn mà có hàng chục triệu gia đình muốn mua sách mới cho con thì con số đó lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Lỗ 40 tỷ đồng và chuyện chấm dứt độc quyền biên soạn SGK ảnh 1 Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý, đưa nhiều kiến thức vào SGK.

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu phát huy năng lực, phương pháp, xử lý đồng thời khuyến khích sự tự học, sáng tạo và gắn với đời sống thực tiễn  của học sinh chứ không phải là truyền đạt quá nhiều kiến thức.

Để tránh lãng phí tiền mua sách, việc biên soạn SGK mới không nên tiếp cận nhiều nội dung mà chỉ gồm những kiến thức cơ bản tối thiểu và nên giữ ổn định trong một thời gian tương đối ổn định. Như thế sẽ góp phần giảm bớt lo lắng cho những gia đình học sinh ở vùng miền khó khăn có thể sử dụng lại SGK cũ, không phải mất tiền mua sách mới.

Việc bổ sung thêm kiến thức thì giáo viên và học sinh có thể bằng cách thức giảng dạy, học tập ở những phương tiện khác như cập nhật Internet, theo dõi truyền hình...

Sắp tới, chúng ta sẽ có nhiều bộ SGK nên sẽ có nhiều nhà xuất bản in sách bằng chất liệu tốt, hình ảnh đẹp với giá thành có thể cao hơn hiện tại. Nếu SGK mà in ra để học sinh có thể viết, làm bài tập vào đó thì học sinh năm sau không thể sử dụng được sách của học sinh đã học và cũng rất lãng phí cho nhiều gia đình. Vì vậy để tiết kiệm cho phụ huynh, các nhà xuất bản cũng không nên in sách để học sinh viết, làm bài tập luôn vào trong đó.

Hãy để phụ huynh lựa chọn sách

Là lãnh đạo một trường THPT, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, việc bán SGK trong trường học có thể có sự chiết khấu giữa đơn vị bán sách với nhà trường nên một bộ SGK được bán ở trong trường có thể cao hơn so với phụ huynh mưa ở các đại lý. Điều này sẽ khiến phụ huynh phải nghĩ đến năm nào cũng mua sách mới.

Chúng ta không thể cấm đưa sách đến trường học bán cho học sinh mà cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả. Để không gây áp lực cho phụ huynh phải mua sách mới thì việc đưa sách đến trường học phải có bảng giá niêm yết cụ thể, không được vượt quá quy định.

Ngoài ra, nhà trường không nên khuyến khích phụ huynh phải mua sách chọn bộ đóng gói với nhiều sách tham khảo, bài tập mà nên để phụ huynh được lựa chọn quyển nào phù hợp thì mua quyển đó.

Tại “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục Việt Nam” ngày 26/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,8 tỷ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,3 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu: doanh thu SGK: 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.

Từ ngày thành lập năm 1957 đến năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản SGK. Hiện nay, có thêm một số NXB mới được cấp phép xuất bản SGK như: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP HCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Huế.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG