Lộ diện “Đại sứ truyền thông khoa học” đầu tiên của Việt Nam

Lộ diện “Đại sứ truyền thông khoa học” đầu tiên của Việt Nam
TPO - Cuộc thi FameLab – Đại sứ truyền thông khoa học tại Việt Nam đã tìm ra đại sứ đại diện Việt Nam tranh tài ở vòng chung kết toàn cầu tại Vương quốc Anh. Vũ Danh Việt, chàng sinh viên công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chinh phục khán giả và ban giám khảo với câu chuyện khoa học lãng mạn và thú vị: “Vì sao mưa lại có mùi?”

Vòng thi chung kết của cuộc thi truyền thông khoa học duy nhất tại Việt Nam diễn ra tại hội trường Ngụy Như Kon Tum, ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Giảng đường có lịch sử hơn 100 năm là nơi chứng kiến sự hình thành của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại và vinh danh các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và học giả khoa học hàng đầu Việt Nam. 

Tại đây, 12 thí sinh là các nhà khoa học trẻ, giảng viên, sinh viên từ nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau ở Hà Nội, Cần Thơ và Tp. Hồ Chí Minh đã tranh tài và thể hiện niềm đam mê với khoa học và truyền thông khoa học.

“Bạn có thích mưa không? Tôi rất thích mưa, vì mưa thật mát mẻ, và nếu đi cùng bạn gái dưới mưa thì sẽ thật lãng mạn.”, đó là cách Vũ Danh Việt mở đầu câu chuyện khoa học của mình. Lựa chọn đề tài “Vì sao mưa lại có mùi”, Vũ Danh Việt đã giải thích hiện tượng quen thuộc mà hầu như ai cũng nhận biết thấy nhưng có lẽ chưa hề biết nguyên nhân.

Theo Danh Việt, mùi của mưa là tổng hợp của dầu do các loại thực vật tiết ra trong những ngày thời tiết nóng và một loại vi khuẩn trong đất tên actinomycetes. Tuy nhiên, chỉ tới mới đây, năm 2015, các nhà khoa học từ Học viện Công nghệ Massachusetts mới giải thích được bản chất của cơ chế này. Nghiên cứu này có thể dùng để giải thích sự phát tán một số dịch bệnh từ đất và giải thích mùi đất trong mưa.

Tháng 6 tới, Vũ Danh Việt sẽ đại diện Việt Nam tới Anh tham gia vòng chung kết toàn cầu FameLab International Final tại Liên hoan Khoa học Cheltenham cùng các quán quân từ 25 quốc gia khác.

Hội đồng ban giám khảo gồm GS. Mai Trọng Nhuận, Chuyên gia cao cấp của ĐH Quốc gia Hà Nội; nhà báo Tạ Bích Loan và Tiến sỹ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT đã thực sự bất ngờ bởi sự thông minh, dí dỏm và khả năng làm chủ sân khấu của 12 thí sinh. TS. Đàm Quang Minh nói: “Phần thi của các em đã thực sự vượt quá sự mong đợi của ban giám khảo”.

Hai giải Nhì của cuộc thi đã thuộc về hai đại diện từ trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội là Cao Văn Tâm (với đề tài “Phản vật chất”) và Nguyễn Quang Đạo (“Phương pháp phát hiện và chẩn đoán bệnh lao sử dụng hạt từ nano gắn kháng thể”). Cao Văn Tâm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán giả khi sử dụng một cục gạch đỏ là vật minh họa cho bài thi của mình.

Hai giải Ba đã được trao cho thí sinh dự thi đầu tiên Nguyễn Thị Thu Diệu (sinh viên ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) và Hoàng Thị Nam Phương (giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh). 

Ngoài ra, ban tổ chức trao giải Yêu thích nhất cho thí sinh Nguyễn Thị Phương, sinh viên khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên. Các thí sinh đạt giải nhận được học bổng khóa học tiếng Anh myClass của Hội đồng Anh. 

Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam vui mừng cho biết: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi được chung tay mang cuộc thi tuyệt vời này tới Việt Nam. Tôi rất hi vọng Danh Việt sẽ lọt vào danh sách 10 thí sinh xuất sắc nhất được tranh tài tại vòng chung kết ở Vương quốc Anh.”

Từ cuối tháng 1 năm 2015, Hội đồng Anh đã hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu Việt Nam để xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi. Không chỉ giới hạn ở giảng viên, nhà nghiên cứu, giáo viên, cuộc thi hướng tới tất cả các cá nhân có đam mê khám phá và yêu thích khoa học. 

12 thí sinh có bài trình bày ấn tượng nhất trong vòng tuyển chọn đã trải qua khóa đào tạo kỹ năng truyền thông khoa học với chuyên gia truyền thông lĩnh vực khoa học Malcom Love và Davide Greene từ Vương quốc Anh. 

FameLab được khởi động từ năm 2005 tại Vương quốc Anh trong Liên hoan Khoa học Cheltenham Science Festival và đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu để đào tạo và hướng dẫn các cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên về cách thức kết nối với công chúng thông qua việc trình bày đề tài khoa học của họ. Người tham dự FameLab trình bày một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và hấp dẫn người nghe trong tối đa ba (3) phút.

Tới nay, Cheltenham Science Festival đã cộng tác với Hội đồng Anh để tổ chức cuộc thi FameLab tại hơn 25 quốc gia. Tại Mỹ, Hội đồng Anh hợp tác cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đồng tài trợ để tổ chức cuộc thi này dành cho nhà khoa học, người nghiên cứu và sinh viên trong lĩnh vực khoa học hành tinh. 

MỚI - NÓNG