Lò luyện thi nguội

Lò luyện thi nguội
TP - Không còn mọc lên như nấm sau mưa như mọi năm, hầu hết nhiệt các lò luyện thi tại TPHCM năm nay không thấy quảng cáo rầm rộ.

Ghi nhận tại phòng ghi danh của nhiều trung tâm luyện thi (TTLT) ở TPHCM là không khí vắng vẻ. Học viên đăng ký ít nên có nhiều trường hợp không đủ để mở lớp.

Chị Thúy Chinh- nhân viên ghi danh tại TT chất lượng cao Vĩnh Viễn - cho biết: “Lượng học viên năm nay đăng ký giảm nhiều so với các năm. Có khoảng bảy lớp học chia đều trong mỗi tuần với lượng học viên mỗi lớp không quá 100 em”.

TPHCM hiện có hơn 400 TTLTĐH nhưng, đến thời điểm này, học viên vắng, các TT hoạt động cầm chừng, một số nơi đóng cửa. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – quận Bình Thạnh TPHCM – nơi được quảng cáo là nơi có nhiều lò luyện. Nhưng, đến thời điểm này, các trung tâm vẫn im hơi lặng tiếng.

Ông Nguyễn Hữu Quang - GĐ TTLTĐH Khai Sáng - cho biết: “Lượng học viên đăng ký luyện thi năm nay giảm 50 phần trăm so với năm trước. Hiện tại, trung tâm chỉ có khoảng 80- 90 em theo học”.

Cũng trong tình trạng này, GĐ TT 60 An Sương tổng kết, năm nay, số học sinh luyện thi tại trung tâm giảm 20 phần trăm, chỉ còn 800 học sinh.

Tại TT bồi dưỡng văn hóa trường ĐH KHXHNV TPHCM, lượng học viên cũng giảm 30 phần trăm. Tuy nhiên, theo PGS-TS Đinh Ngọc Thạch – GĐ TT, hi vọng vào đợt hai, tức là từ tháng 5/2009 trở đi, khi chọn chắc chắn trường thi cho mình, thí sinh sẽ tìm đến các trung tâm ôn luyện nhiều hơn.

Vì sao nguội?

Theo ông Nguyễn Hữu Quang: “Đầu vào của nhiều trường đại học ngày càng thấp. Chỉ cần sáu hoặc bảy điểm là có thể học một trường trung cấp, cao đẳng và không khó để sau đó tiếp tục học liên thông lên đại học. Tâm lý không sợ trượt khiến nhiều thí sinh không còn tìm đến các lò luyện thi”.

Một nguyên nhân nữa khiến các sĩ tử năm nay hờ hững với các TTLT là có các phương tiện ôn luyện tiện lợi hơn như ôn thi qua mạng. Chỉ cần ngồi tại nhà, học sinh có thể tra cứu tài liệu và học bài không kém gì đến các lớp tại trung tâm trong khi đó tiết kiệm được tiền và thời gian rất lớn.

Đề thi ĐH những năm vừa qua được đánh giá là sát với chương trình SGK của Bộ. Năm nay, Bộ GD cũng khẳng định đề thi không nằm ngoài kiến thức trong SGK, chủ yếu là lớp 12 nên thí sinh biết lượng sức mình. Bí quyết trở thành thủ khoa của nhiều sinh viên vẫn chủ yếu là học trong SGK. Trần Thị Thạnh – thủ khoa trường ĐH KHXHNV TPHCM năm 2008-2009, nói: “Cần nắm vững kiến thức trong SGK, có một kế hoạch học tập khoa học, đọc sách tham khảo của NXB uy tín để tránh tình trạng ngộp vì sách và không biết nên bắt đầu từ đâu”.

Theo TS Lê Khắc Cường – Trưởng Phòng  Đào tạo Trường ĐH KHXHNV TPHCM, đề thi ĐH một số môn theo kiểu trắc nghiệm khiến các thí sinh tự học, tự ôn hơn là tìm đến các TTLT.

Hơn nữa, năm 2010, Bộ GD&ĐT gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một là lý do để các thí sinh ngại ngùng đi ôn tại TT. “Tâm lý ngại chương trình thi mới là nguyên nhân khiến các sĩ tử từng thi rớt những năm trước không còn mặn mà gì với các TTLT”- Ông Nguyễn Hữu Quang cho biết thêm.

Nếu như mọi năm, tìm một phòng trọ ở thành phố không phải là quá khó với các thí sinh thì, năm nay, có một chỗ ở để ôn thi lại là vấn đề lớn. Bạn Thân Văn Dũng – Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - TX Bà Rịa, lên TP ôn thi tại TPHCM từ tháng 9/2008 nhưng phải chuyển chỗ trọ tới ba lần.

Quang cho biết: “Tháng nào tiền nhà cũng tăng. Thuê ở mấy quận trung tâm thì không có khả năng. Ở xa thì đi học quá vất vả, lại không có phương tiện”. Chỗ ở không ổn định khiến các sĩ tử ngao ngán và phải tính toán trước khi muốn tìm một lớp ôn thi tại các trung tâm luyện thi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.