Dự thảo chương trình môn Toán thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới

Lo nhất đội ngũ giáo viên

Thầy Lưu Huy Tưởng, giáo viên Toán của hệ thống Học mãi, (Ảnh: Nghiêm Huê)
Thầy Lưu Huy Tưởng, giáo viên Toán của hệ thống Học mãi, (Ảnh: Nghiêm Huê)
TPO - Theo thầy Lưu Huy Tưởng, giáo viên Toán của hệ thống Học mãi, dự thảo chương trình môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiệm cận được với xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm nhất chính là đội ngũ giáo viên.
Nói ngắn gọn về chương trình hiện hành, thầy Lưu Huy Tưởng đưa ra một thực tế: “Là giáo viên dạy Toán, rất nhiều lần học sinh hỏi tôi 'học cái này để làm gì?'. Tôi cũng chỉ trả lời rất chung chung là tăng tuy duy về toán, tăng tư duy giải quyết vấn đề. Nhưng tôi biết, câu trả lời đó quá trìu tượng với học sinh” – thầy Tưởng nói.
Tuy nhiên, ở chương trình mới, môn Toán gần gũi hơn, ứng dụng thực tế nhiều hơn. Cụ thể là trong dự thảo đã nêu ra mục tiêu rất rõ của môn Toán là dạy toán học cho mọi người. Có nghĩa là không nhồi cho học sinh một mớ kiến thức dù kiến thức dễ hay khó.

Cũng theo thầy Tưởng, tính thực tiễn được thể hiện trong dự thảo chương trình bằng các bài toán gắn với thực tiễn. 

Ví dụ chương trình tiểu học sẽ có đơn vị kiến thức là đổi đơn vị độ dài, thể tích, trọng lượng. Thay bằng cách yêu cầu học sinh quy đổi các đơn vị thì ở chương trình mới, sẽ là một bài toán như: Theo một website về sức khỏe nào đó cho biết để tính lượng nước cần dùng trong một ngày của một người trưởng thành sẽ có công thức: Trọng lượng cơ thể x 0.5. Bạn Lan nặng 40kg thì một ngày bạn cần uống bao nhiêu nước?

Với câu hỏi này sẽ hình thành được phẩm chất năng lực cho học sinh như kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng mô hình hóa toán học, từ thực tế ra được phương trình toán học. Làm xong bài, học sinh sẽ rất thích thú vì còn thêm kiến thức về sức khỏe. 

Đối với giai đoạn hai của chương trình (THPT – phân hóa – hướng nghiệp) ngoài cung cấp kiến thức chung sẽ có chuyên đề chuyên sâu gần hơn với ngành nghề liên quan đến Toán như CNTT, Logistisc... để học sinh lựa chọn hướng nghiệp.

Giáo viên được đào tạo từ chương trình cũ

Thầy Tưởng cho rằng xây dựng chương trình lần này, môn Toán đã tiếp cận được với xu hướng chung của thế giới. Nhưng ở các nước phát triển, đội ngũ giáo viên của họ vốn đã đạt chuẩn.

Còn thực tế ở Việt Nam, điểm chuẩn vào các trường sư phạm đang có chiều hướng đi xuống, đời sống của giáo viên chưa ổn, người giỏi có tâm huyết với nghề chưa chắc được đứng trên bục giảng. Theo thầy Lưu Huy Tưởng, đây chính là những yếu tố khó khăn về đội ngũ giáo viên khi thực hiện chương trình mới. 

“Muốn thực hiện được chương trình này giáo viên phải là yếu tố then chốt. Với chương trình mới, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Ở nước ngoài, giáo viên được thỏa sức sáng tạo miễn sao đạt được mục tiêu. Nhưng ở Việt Nam, khả năng sáng tạo của giáo viên rất khó”, Thầy Tưởng nêu thực tế.

Về nguyên nhân, theo thầy Tưởng: Thứ nhất, giáo viên đều được đào tạo từ hệ thống giáo dục cũ nên khả năng sáng tạo nhiều hạn chế. Thứ hai, với chương trình mới này, nguồn nguyên liệu để giáo viên sử dụng sẽ lấy ở đâu.

Ở Úc, trong quá trình giáo viên thiết kế bài giảng, mỗi bang của họ sẽ có một nguồn dữ liệu để giáo viên có thể sử dụng. Như vậy, giáo viên có thể mở mang thêm nội dung kiến thức và cách tiếp cận vấn đề. Còn Việt Nam chưa có. 

Giải pháp mà thầy Tưởng đưa ra đó là Bộ GD&ĐT nên có kho dữ liệu đó cho giáo viên tham khảo, phù hợp với từng vùng miền và giảm khó khăn cho giáo viên.

“Tôi có cảm giác nói về đổi mới phương pháp dạy học chúng ta chỉ nói lý thuyết, còn trên lớp rất ít khi áp dụng. Nếu có áp dụng thì chỉ khi nào sở, phòng về kiểm tra. Vấn đề đặt ra là Bộ phải nghiên cứu, thiết kế các phương án phù hợp. Tôi được biết Bộ cũng đã có phương án cho vấn đề này”, thầy Tưởng nói.

MỚI - NÓNG