Lo 'xé rào' quy chế khi xét tuyển học bạ

Sinh viên làm thủ tục nhập học năm 2018. Ảnh: Như Ý
Sinh viên làm thủ tục nhập học năm 2018. Ảnh: Như Ý
TP - Được tự chủ, các trường ĐH đưa ra rất nhiều phương thức tuyển sinh, ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Cũng vì thế nên những lo ngại về sai phạm của các chuyên gia không phải không có căn cứ, nhất là khi thời gian tuyển sinh năm 2019 đang đến gần.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra  Bộ GD&ĐT, thời gian qua, khi thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường đã để xảy ra nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo như đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ… Bộ đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý các trường hợp vi phạm cụ thể. Một số vi phạm khác như đào tạo chính quy; đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, không ban hành quy chế văn bằng chứng chỉ, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan, vi phạm quy định về quản lý đào tạo, tốt nghiệp…, báo chí phản 
ánh nhiều.

Bộ GD&ĐT đang tập trung thanh tra tại các trường: ĐH Điện lực, ĐH Trưng vương…  Có thể nói, những vi phạm trên đang tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo ĐH, gây bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng tới quyền lợi của người học. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là trường nào sai phạm, vi phạm quy chế, quy định về đào tạo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Qua theo dõi chúng tôi thấy, bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn trong tuyển sinh (nhất là một số trường ngoài công lập) thì công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm” - ông Nguyễn Huy Bằng nói. Những sai phạm của các trường mà ông Bằng nhắc đến là nhiều trường đưa ra đề án tuyển sinh riêng không rõ ràng, không ít thông tin chưa chính xác. Một số trường xét tuyển không đúng đề án. Ví dụ đề án nêu tuyển sinh 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, 50% chỉ tiêu xét tuyển trên cơ sở điểm thi THPT quốc gia của thí sinh nhưng đến khi tuyển không đủ thì có trường lại xét đến 80% chỉ tiêu bằng học bạ. 

Không những thế, nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Có ĐH tuyển nhiều giảng viên trong khi không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy. Vậy nên, họ đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh rất cao, vượt xa năng lực thực tế đào tạo. Có trường khai có 1.000 giáo viên cơ hữu để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng thực tế số giảng viên cơ hữu không phải như vậy. Những việc làm như thế, theo ông Nguyễn Huy Bằng là đi “ngược” quy định của Bộ GD&ĐT, sai quy chế tuyển sinh.

Kết quả trong học bạ chưa đáng tin cậy?

Vừa qua, tuy chưa có kết quả xét tốt nghiệp dựa trên kết quả thi THPT quốc gia nhưng nhiều trường ĐH đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ. Ví dụ như Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM. Từ 28/6, ngay khi vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường này đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ. Tương tự, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM cũng công bố có gần 800 thí sinh trúng tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển học bạ. Một số trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng làm như vậy.  

Tính ra, đã có gần 20 trường công bố điểm chuẩn bằng hình thức xét tuyển học bạ trước khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Theo PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc xét tuyển theo nhóm như hiện nay (nhóm miền Nam, nhóm miền Bắc) thể hiện quyền tự chủ của các trường. Việc này tạo được mạng lưới hợp tác liên kết, tạo nên sức mạnh chung. Tuy nhiên, thực tế đang có những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh trong xét tuyển, mà liên quan tới việc xét tuyển bằng học bạ.

PGS Hoàng Minh Sơn thông tin, có khá nhiều trường đại học xét tuyển dựa trên học bạ nhưng lại yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi các trường đại học xét tuyển sinh chung một ngày (vào đầu tháng 8/2019). Như vậy là có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Nhiều học sinh đứng trước sự lựa chọn: Xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay là lấy kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào trường theo nguyện vọng của các em đó. Nếu chúng ta yêu cầu học sinh phải xác nhận nhập học sớm là tước đi quyền của họ trong đợt xét tuyển chung, ảnh hưởng đến tuyển sinh của các trường khác.

Liên quan việc xét tuyển bằng kết quả học tập ghi trong học bạ, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Chính sách xét tuyển học bạ “tưởng như là xu hướng tiến bộ” vì thuận theo thông lệ thế giới. Tuy nhiên, thực tế ở ta, các trường tốp trên ít dùng phương thức này, lý do là kết quả học tập của học sinh ghi trong học bạ chưa đáng 
tin cậy.

GS. Nguyễn Đình Đức đề xuất cần có thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT năm nay xem có tương  thích. Ví dụ nếu theo học bạ thì 90% học sinh có học lực khá giỏi, nhưng kết quả thi THPT quốc gia có phải 90% học sinh dự thi đạt khá giỏi? Đó sẽ là chỉ số rất tốt để Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở đào tạo xem xét lại chính sách xét tuyển học bạ, làm cho việc xét học bạ ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ và tuyển thẳng phải xác nhận nhập học trước 17h ngày 23/7. Trường ĐH Công nghệ TPHCM còn thông báo những thí sinh trúng tuyển đợt 1 (30/6) vào trường bằng học bạ thì nhập học từ ngày 17/7 đến 30/7.

MỚI - NÓNG