Lỗi điều hành?

Chờ đợi với hy vọng mong manh
Chờ đợi với hy vọng mong manh
TP - Khâu tuyển sinh vào lớp 1 của trường Thực Nghiệm lùm xùm từ nhiều năm nay.

> ‘Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh!’

Nhiễu tin đồn

Chị Y., một phụ huynh có con học khối 3 của trường nhớ lại: “Lần đầu tiên báo chí đưa tin phụ huynh muốn cho con học trường Thực Nghiệm xếp hàng cả đêm để mua đơn là năm 2009.

Rút kinh nghiệm, năm 2010 trường bán đơn cả ngày, do đó lượng thí sinh đăng ký dự thi đông tới mức trường phải tổ chức đo nghiệm liên miên hai ngày mới xong. Năm 2011 trường lại phát đơn hạn chế, khoảng 7 giờ 30 đã bán hết đơn”.

Tuy nhiên, năm nay cơn sốt săn đơn xin học vào trường Thực Nghiệm mới thực sự lên đến cao trào khi phụ huynh chen lấn xô đẩy đạp đổ cả cổng ra vào Trung tâm Công nghệ Giáo dục.

Nhiều phụ huynh còn lo lắng bởi tin đồn về giá cả các suất “chạy” trường. Các con số 1.500- 2.000 USD/ suất được truyền tai nhau.

Trên một diễn đàn, có thành viên viết:“Năm ngoái một người quen nhà mình chạy hết 1.500 USD. Nhưng cũng một người quen khác đưa 2.000 USD rồi, cuối cùng bị trả lại tiền vì không chạy được”. Theo nhiều phụ huynh, tin đồn loại này càng khiến họ quyết tâm săn đơn bằng được.

Ai thiếu ý thức?

Trao đổi với Tiền Phong, nhà giáo Phạm Toàn, thế hệ giáo viên tiền bối cùng GS Hồ Ngọc Đại xây dựng nên danh tiếng trường Thực nghiệm cho rằng, không thể đổ lỗi cho ý thức của người dân: “Cuộc sống là như thế, nếu để tự nhiên thì không ai có ý thức cả bởi người ta sẽ hành xử theo cách có lợi cho họ. Cho nên không được nói phụ huynh không có ý thức. Đó là lập luận của những lãnh đạo không biết quản lý thì đổ cho dân. Khi xảy ra những chuyện tương tự là do người quản lý không có ý thức, không có năng lực, không biết điều hành chứ không phải là dân”.

Trao đổi với Tiền Phong, cơ quan quản lý giáo dục các cấp - từ Bộ cho tới Sở, Phòng - đều cho biết, trường PTCS Thực Nghiệm hoạt động theo mô hình thực nghiệm nên họ không thể có ý kiến chỉ đạo trường trong khâu tuyển sinh, dù đây là một khâu trong hoạt động chuyên môn.

Theo đó, trách nhiệm quản lý hoạt động của trường thuộc Viện Khoa học Giáo dục – một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ GD&ĐT.

“Công tác quản lý giáo dục đã được phân cấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ có ý kiến về những điểm nóng ở các địa phương nhưng phải là mô hình giáo dục đại trà. Còn với mô hình thực nghiệm thì Giám đốc Viện KHGD là người có trách nhiệm phải trả lời trước Bộ trưởng”. Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT nói.

Trao đổi với Tiền Phong tối 14-5, ông Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, việc tuyển sinh của trường PTCS Thực nghiệm vẫn bình thường:“Chỉ tiêu ít, số lượng hồ sơ bán ra ít thôi nhưng vì người học có nhu cầu cao nên trường chủ động xử lý bằng cách là bán đủ hồ sơ cho phụ huynh”.

Cũng theo ông Kha, việc tìm ra phương thức tuyển sinh phù hợp là điều rất khó: “Chỉ tiêu chỉ hơn 100, nếu phát hành hồ sơ rộng thì dễ bị nói là trường làm khổ các cháu. Nhiều người nói nên học tập cách tuyển sinh của các trường nước ngoài, cái này rất khó. Văn hóa Việt Nam khác, nó là văn hóa khoa cử”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG