Lớp học đặc biệt tại trại giam Phú Sơn

Trung úy Nguyễn Anh Tùng, cán bộ phụ trách quản lý thư viện, Tổ giáo dục phân trại 1, hướng dẫn cho các trại viên lựa chọn sách đọc theo sở thích.
Trung úy Nguyễn Anh Tùng, cán bộ phụ trách quản lý thư viện, Tổ giáo dục phân trại 1, hướng dẫn cho các trại viên lựa chọn sách đọc theo sở thích.
Ở Trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục 8, Bộ Công an), ngoài các lớp học xóa mù chữ và lớp học mẫu giáo, còn có một lớp học đặc biệt được mở cửa từ ngày 9-9-2014. Lớp học ấy là Phòng đọc thư viện dành cho 1.400 phạm nhân đang chấp hành cải tạo ở Phân trại số I.

Đọc sách - thấy mình hối lỗi vì đã trở thành một con người hư hỏng

Theo Thiếu úy Ngô Huy Hoàng, Đội giáo dục Hồ sơ: Với Phân trại, thư viện được ví như một lớp học, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho phạm nhân. Đây là một phương pháp giáo dục giữ vai trò quan trọng, tác động đến nhận thức của phạm nhân.

Thư viện của Phân trại số I, bàn, ghế được kê xếp ngay ngắn, gọn gàng như một lớp học. Hằng ngày, sau giờ lao động cải tạo, các trại viên được phép lên thư viện đọc sách, hoặc mượn sách về phòng ở để tự đọc và đọc cho nhau nghe. Trong tuần, có 2 ngày thứ bẩy, chủ hật, thư viện mở cửa phục vụ những trại viên không phải đi làm. Tất nhiên, đó là những trại viên có nguyện vọng đọc sách, báo.

Phòng đọc rất đông người, nhưng chỉ có tiếng lật mở trang sách, báo. Ai nấy chăm chú đọc, suy ngẫm. Phạm nhân Chu Đình Quý, Đội 13, khi đọc đến trang cuối cuốn sách: “Người Lữ hành lặng lẽ” của Nhà văn Hữu Mai đã gục xuống bàn để giấu đi giọt nước mắt. Quý bảo: Tôi tự thấy hổ thẹn về bản thân mình, lẽ ra tôi phải là một đứa con ngoan, nhưng tôi đã trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trung úy Nguyễn Anh Tùng, cán bộ phụ trách quản lý thư viện, Tổ giáo dục Phân trại số I cho biết: “Nhờ đọc sách, phạm nhân được nâng cao nhận thức về đạo đức, lối sống, nhận rõ được lỗi lầm của mình, từ đó có ý thức tự rèn luyện, sửa chữa và chấp hành cải tạo tốt hơn để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình, xã hội”.

Theo Thượng tá Vũ Văn Duy, Phó Giám thị, phụ trách Phân trại số I: “Nguồn sách tài trợ cho Phân trại xây dựng nên thư viện chủ yếu từ Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các nhà xuất bản: Phụ nữ, Lao động, Công an nhân dân tài trợ. Một số phạm nhân cũng mang những cuốn sách mình đam mê hiến tặng cho thư viện. Ngày đầu mở cửa, thư viện có hơn 3.000 cuốn sách và một số tạp chí, báo chí với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, bao gồm các thể loại sách về chính trị; pháp luật, văn hóa, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch… trong nước và nước ngoài. Đến nay (20-1-2015), thư viện của Phân trại số I có hơn 4.000 cuốn sách và hàng chục đầu báo, tạp chí; trung bình mỗi ngày thư viện phục vụ hơn 100 lượt bạn đọc.

Ở phòng đọc thư viện, tôi thấy nhiều phạm nhân lựa chọn cuốn: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và đọc mê mải. Phạm nhân Tống Quỳnh Duy, Đội 20 cho biết: “Nhờ được đọc sách, tôi thấy mình nhận thức sâu sắc sắc hơn về cuộc sống, về xã hội, biết phân biệt được đúng - sai. Nhất là sau khi đọc cuốn: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, tôi thấy mình hối lỗi vì đã trở thành một con người hư hỏng”.

27 tuổi, Duy đã chấp hành án phạt tù được gần 10 năm. Gấp cuốn sách đặt ngay ngắn trên mặt bàn, Duy kể: Năm 2006, đang học lớp 12, vì vay nợ bạn bè chơi lô đề, chỉ trong thời gian 3 tháng, số tiền nợ lên đến 36 triệu đồng. Nợ nần bức bách, Duy rủ thêm các bạn cùng học là Đào Văn Hoàng và Nguyễn Văn Thủy đi giết người, cướp của.

Để cướp được chiếc xe máy của một người qua đường, Duy cùng các bạn dùng gậy đánh nhiều nhát lên người nạn nhân. Thấy nạn nhân nằm bất động, 3 tên cướp lấy xe máy mang về T.P Thái Nguyên bán… Duy thở phào: Chúng cháu chưa lấy được tiền bán xe đã bị các chú Công an bắt gọn.

Bố mẹ cháu, cô giáo chủ nhiệm và bạn bè cùng học rất ngạc nhiên, không ngờ cháu lại là kẻ giết người cướp của. Vì suốt 12 năm đi học, năm nào cháu cũng đạt thành tích học tập tiên tiến xuất sắc. Lúc cho tay vào còng số 8, cháu đã khóc vì xấu hổ, ân hận. Do nạn nhân không bị chết; do bản thân có nhân thân tốt nên Tòa chỉ tuyên phạt cháu mức án 17 năm tù. 

Có thêm động lực phấn đấu cải tạo tốt hơn

Trong lớp học đặc biệt của Phân trại số I, mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh riêng, và mỗi người có cách thức phạm tội khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là phải trả giá phần đời trẻ trung của mình bằng những năm tháng lao tù. Có người khi đặt chân vào đây, coi dấu chấm hết đã đặt vào cuộc đời mình. Nhưng được sự quan tâm, chỉ bảo nhiệt tình của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục Phân trại, những phạm nhân dần yên tâm tư tưởng, lạc quan sống, phấn đấu cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình như bao những công dân ngoài xã hội.

Cũng ở phòng đọc thư viện, tôi gặp Phạm nhân Bạch Việt Phương, Đội 20. Phương được bạn cùng Đội gọi là “mọt sách”. Phương đọc tất cả các thể loại: Văn học, nghệ thuật; Kinh tế; Luật; Triết học… Nhờ chịu đọc sách, nên Phương am hiểu rộng về các lĩnh vực xã hội. Ở trại, Phương được Tổ giáo dục Phân trại lựa chọn giao nhiệm vụ giúp việc trông coi thư viện.

Bạch Việt Phương, quê ở phố Cầu Giấy (Hà Nội), từng là kế toán trưởng có uy tín của một Công ty tư vấn. Công việc hằng ngày tiếp xúc với bộn tiền, Phương dễ dàng lấy tiền của Công ty để sử dụng cho mục đích riêng của mình. Sau 4 năm đầu tư chứng khoán, số tiền Phương “vay nóng” của Công ty lên đén 4 tỷ đồng. Vì không thể trả được nợ với Công ty, Phương bị kiện ra tòa, lĩnh án 12 năm tù giam về tội chiếm đoạt tài sản.

Phương chấp hành án phạt tù ở Phú Sơn từ năm 2009 đến nay, được giảm án 1 lần, với thời gian giảm án 10 tháng. Trung úy Nguyễn Anh Tùng có nhận xét: “Phương chịu đọc sách, có kiến thức xã hội rộng, các tủ sách ở thư viện đều do Phương cùng một số phạm nhân khác sắp xếp. Phương cho biết: Mất 3 ngày lao động, toàn bộ số sách được chúng tôi xếp lên giá theo từng chuyên đề, chuyên mục, như vậy phạm nhân rất thuận lợi trong việc tìm sách để đọc”.

Chúng tôi tự tay lật mở Cuốn sách ghi “cảm nhận của phạm nhân về lớp học đặc biệt này”, trong đó có những nét chữ đổ nghiêng, có nét chữ nguyệch ngoạc chạy dài trên trang giấy. Phạm nhân Đàm Đức Thọ viết: Từ ngày Phân trại mở thư viện, tôi và các phạm nhân khác có thêm động lực phấn đấu cải tạo tốt hơn. Vì qua trang sách ở thư viện, như người thầy giúp chúng tôi nâng cao nhận thức, hiểu biết đầy đủ hơn về dạo lý làm người. Xem tiếp nội dung Cuốn sách, chúng tôi thấy nhiều phạm nhân cũng ghi cảm nhận tương tự như Đàm Đức Thọ.

Ngoài sự được giáo dục, rèn luyện ở Trại về mọi mặt, Thư viện của Trại giam đẫ góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tinh thần, trí tuệ của các phạm nhân, giúp họ hoàn lương nhanh hơn để trở về với cuộc sống gia đình, xã hội…

Theo Dân Trí

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.