Lớp học lúc nửa đêm

Lớp học lúc nửa đêm
TP - Điểm giống nhau của 38 doanh nhân này là tất cả đều đang ngồi học - học với tất cả hăng say, hứng khởi và tràn đầy đam mê, dẫu cho giờ học đã quá nửa đêm.

Tôi chú ý đến chi tiết hết sức đặc biệt này khi dự lễ tốt nghiệp chương trình đào tạo CEO của PACE. Khi ấy, ông Ngô Quốc Thái - Giám đốc Điều hành Công ty Savihome - đã đứng lên bục phát biểu mà không cần đọc giấy, như nói từ gan ruột:

“Chúng tôi nhớ có những đêm thầy đã giảng quá nửa đêm nhưng cả lớp không ai buồn ngủ. Tất cả như vừa được truyền lửa - lửa nhiệt huyết từ trái tim đến trái tim.

Thầy cùng trò đã không hề mệt mỏi, bởi lẽ các điều thầy nói quá đỗi thực tế, với những tư duy vô cùng sâu sắc, đặt chúng tôi trước những bài toán mà ai cũng thấy cần phải suy ngẫm thấu đáo với cả khối óc và con tim của mình”.

Ngô Quốc Thái là một trong hơn 500 học viên tốt nghiệp hôm đó, cũng là một trong hơn 5 vạn doanh nhân và giám đốc đã từng tham gia quá trình phát triển khả năng quản lý và lãnh đạo của mình tại PACE trong nhiều năm qua. Lớp học vẫn thường kết thúc lúc nửa đêm như anh nói, đã diễn ra từ lâu lắm rồi, ngay cả những người trong cuộc của “nhà PACE” cũng không còn nhớ nữa.

Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng PACE chỉ còn nhớ, cứ khi nào mà học viên say mê, giảng viên say mê là ông và các đồng nghiệp phải có nhiệm vụ tiếp tục đi đến cùng.

Bởi, với doanh nhân, mà cụ thể ở đây là lãnh đạo các tập đoàn, công ty thì thời gian quý như vàng. Những cơ hội để họ học tập và thoả mãn lòng khao khát học hỏi như thế này quả thật là rất ít và họ nhất định không chịu bỏ qua.

Tôi bước vào một lớp học được bố trí khá đặc biệt: Gần 40 học viên, chia làm nhiều nhóm nhỏ xoay xung quanh vài chiếc bàn lớn. Giảng viên nói về kiến thức, lý thuyết rất ít, phần lớn thời gian dành cho các nhóm tự thảo luận và tranh luận với nhiều nhóm khác về một chủ đề nào đó.

Cái va đập của cách làm, thực tế, công việc chuyên môn của mọi người, cái tương tác nhiều chiều với những cách nhìn, cách hành xử khác nhau chính là nơi để họ tự “vỡ” ra những bài học cho riêng mình.

Một ngày cuối năm, tôi bắt gặp “những người ham chơi” bước ra khỏi lớp. Kim đồng hồ chuyển sang gần 1 giờ sáng. Một doanh nhân vươn vai, khuôn mặt rạng ngời cái khát vọng của ngày mới...

Chỉ cần tìm đến một số forum, blog…, có thể thấy những lời bàn luận khá chi tiết về cách học khác biệt của nơi này.

Đơn cử, tại blog của Chichi_b2, cô gái này kể rất chi tiết: “Học được bốn buổi rồi, để xem một số điều thu nhặt từ chương trình MMM mà ta thấy thích thú: “Đánh giá nhân viên phải đánh giá cả các mặt là kiến thức/kỹ năng/kinh nghiệm cũng như thái độ làm việc, nhân viên không rời bỏ công ty mà nhân viên rời bỏ người quản lý của họ, cần khích lệ sếp của mình vì có thể khích lệ nhân viên thì sao lại không khích lệ sếp… Còn nữa, từ từ rồi viết lên!”.

Những lớp học với giờ giấc nghỉ “tuỳ hứng” như thế đối với nhiều người có vẻ là chuyện lạ. Nhưng ở PACE, cả thầy và trò đều xem đó là chuyện bình thường. Với họ, học cũng chỉ như những cuộc chơi. “Chơi thì chơi cho đến cùng”, chơi thoải mái, chơi hết mình và cứ khi nào chơi chán thì dừng lại.

Những giấc mơ cho người Việt

Ngày mới ra đời, những người tạo dựng ngôi trường này công bố cái giấc mơ làm người bị “sốc” nặng: Xuất khẩu giám đốc. Hóa ra, giấc mơ ấy mang một lớp nghĩa khác: Đã đến lúc Việt Nam cần có những giám đốc, những chuyên gia đẳng cấp quốc tế; đã đến lúc người CEO Việt phải đua tranh ngang bằng về tài và đức với bạn bè năm châu.

Lớp học lúc nửa đêm ảnh 1
Nụ cười ngày tốt nghiệp

Cứ âm thầm làm, đến giờ họ cũng đã bắt đầu chạm tới thành công của mục tiêu góp phần “quốc tế hóa trình độ nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam” mà họ đã đặt ra từ những ngày đầu.

Chỉ mới gần đây thôi, cũng chính PACE lại làm nhiều người “sốc” hơn khi đứng ra làm một dự án có tầm vóc hết sức to lớn: “Hạt giống lãnh đạo” (IPL). Giấc mơ “xây dựng một thế hệ doanh nhân mới, có sức đua tranh toàn cầu” đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều doanh nhân thành đạt và tâm huyết.

Hơn 2.000 hồ sơ dự tuyển, 5 vòng tuyển chọn khắt khe, ứng viên từ khắp mọi miền của đất nước, từ nước ngoài về… đều tụ hội lại khi thấy mình đủ tố chất làm lãnh đạo, thấy mình đủ khát vọng để vươn lên và thấy mình đủ xứng đáng để được những thế hệ đi trước như Chủ tịch tập đoàn Đồng Tâm Võ Quốc Thắng, Giáo sư Trần Văn Thọ... hỗ trợ và chia sẻ. 

Đầu năm 2009, Dự án được kỳ vọng là “Havard của Việt Nam” sẽ chính thức được khai giảng. Cũng trong năm 2009, những dự án mới của PACE cũng sẽ triển khai bên cạnh những dự án sẽ tiếp tục đi tiếp như OneBook (Tặng sách “vì dân trí vùng khó”), SachHay.com (Nơi lan tỏa tri thức)…

Một ngày cuối năm, tôi bắt gặp “những người ham chơi” bước ra khỏi lớp. Kim đồng hồ chuyển sang gần 1 giờ sáng. Một doanh nhân vươn vai, khuôn mặt rạng ngời cái khát vọng của ngày mới...

MỚI - NÓNG