Lớp học miễn phí của cô giáo cao chưa tới 1m

Lớp học miễn phí của cô giáo cao chưa tới 1m
8 năm nay, căn nhà của cô Đạm ở thôn Ngọc Bật (xã Cao Phong, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã trở thành lớp học của 17 học sinh. Các em tới vào dịp cuối tuần để cô kèm cặp, giảng giải thêm. Vào kỳ nghỉ hè, ngày nào các em cũng đến học.
Cô Đạm đến từng bàn chỉ bảo cho học trò. Ảnh: Viết Tuân (VnExpress)
Cô Đạm đến từng bàn chỉ bảo cho học trò. Ảnh: Viết Tuân (VnExpress).

Cô Đạm tên thật là Kiều Thị Ánh Thuyết, ở nhà hay gọi là Bá Đạm. Là con út trong gia đình có truyền thống hiếu học, cô không được may mắn như các anh chị. Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng năm tháng trôi qua cô Đạm không lớn thêm được bao nhiêu. Đến bây giờ, khi đã ngoài 30 tuổi, cô chỉ cao chưa đến 1 m, chân tay ngắn ngủn.

Do thể hình thấp bé, mọi sinh hoạt của cô Đạm đều khó khăn. Nhưng ở xã Cao Phong, trong số bạn bè cùng tuổi, chỉ có mình cô là con gái theo học đến cấp ba. Suốt 12 năm học phổ thông, Đạm siêng năng học nhất xã. Năm nào cô cũng được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Văn.

"Đi học ngày trước khó khăn hơn bây giờ nhiều lắm. Chúng tôi phải đi bộ cả mấy cây số mới đến trường. Người ta đi một bước bằng tôi đi hai bước. Nhưng tôi vẫn ham học lắm, cả mấy năm chẳng bỏ buổi nào. Sáng nào, tôi cũng dậy từ 4h30 đi bộ đi học. Mình đã thiệt thòi so với bạn bè ở hình thể thì phải cố gắng học để lấy cái chữ cho bằng người ta", cô Đạm kể.

Học hết phổ thông, hai lần Đạm xuống Hà Nội thi đại học nhưng lần nào cũng thiếu 0,5 điểm. Thương con gái, dù tuổi đã cao nhưng ông cụ Kiều Quang Nho vẫn hai lần đạp xe từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để tận mắt xem lại điểm cho con. Sau đó, Đạm về học trung cấp tại tỉnh nhà.

Năm 2005, học xong, chưa tìm được việc làm, cô Đạm nghĩ nếu cứ ở nhà chơi thì lãng phí thời gian nên tranh thủ dạy kèm ngoài giờ học cho 7 em học lực kém, gia cảnh khó khăn.

 Cô giáo nhỏ bé với lớp học cuối tuần đặc biệt mở ngay tại nhà. Ảnh: Viết Tuân (VnExpress)
Cô giáo nhỏ bé với lớp học cuối tuần đặc biệt mở ngay tại nhà. Ảnh: Viết Tuân (VnExpress).

"Mới dạy các em, tôi cũng bỡ ngỡ lắm. Tôi chưa được đào tạo qua trường lớp sư phạm nào nên việc dạy sao để các em tiếp thu tốt còn nhiều khó khăn. Nghĩ thương các em, nếu không được học hành sẽ lại lam lũ đồng ruộng như bố mẹ, tôi vừa dạy vừa tìm tài liệu trên mạng", cô Đạm tâm sự.

Lúc đầu, chưa có tiền sắm bàn học, cô giáo và bố đã kê hai tấm phản lớn giữa nhà để các em ngồi quanh đó học bài. Sau đó, được một nhà hảo tâm giúp đỡ, cô đã sắm bàn đầy đủ để các em được ngồi học thoải mái, đúng tư thế. Không giống như ở trường học, lớp của cô Đạm chẳng có phấn, có bảng.

Các em đến đây học ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Có em mới học lớp một, có em học lớp năm, có em học khá, có em học kém... Mỗi buổi học, cô đi đến từng bàn giảng cho các em theo những cách riêng phù hợp. Em nào học kém cô giảng lại bài trên lớp, em nào học khá, cô dạy làm thêm bài tập nâng cao. Vì thế, các em luôn coi cô Đạm gần gũi như người mẹ, người chị.

Mở lớp học nhưng cô Đạm không lấy của các em đồng học phí nào. Ngày lễ Tết, các phụ huynh thường dẫn con tới cảm ơn cô giáo. Nhiều cha mẹ ở các thôn khác cũng chở con đến xin học lớp cô Đạm. Căn nhà của cô đã trở thành lớp học cho nhiều thế hệ học sinh trong và ngoài thôn Ngọc Bật. Đến nay, lứa học sinh đầu tiên đã vào cấp ba. Nhiều em trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh như em Kiều Mạnh Hùng đạt giải ba học sinh giỏi tỉnh năm lớp 6.

Năm 2012, cô Đạm vinh dự được tham dự chương trình "Những tấm gương bình dị mà cao quý" ở Hà Nội.

Theo Viết Tuân
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG