Lớp học… 'năm trong một'

Lớp học… 'năm trong một'
TP - Bên này là ba bàn dành cho lớp 1 học, bên kia là chỗ dành cho học sinh lớp 5, cuối dãy là học sinh lớp 4…, lớp học “năm trong một” tại trường tiểu học An Cựu (phường An Cựu, TP Huế) này trở nên ấm cúng mỗi khi đêm về.
Lớp học… 'năm trong một' ảnh 1
Một buổi học của lớp  “năm trong một”

Cơn mưa đầu tháng 10 làm cho con đường dẫn vào lớp học nhỏ tại trường tiểu học An Cựu lênh láng nước. Lớp học vẫn sáng đèn.

Thanh Thủy (sinh viên Đại học Sư phạm Huế) phụ trách dạy lớp 5 cùng với Thùy Nga (Cao đẳng Sư phạm Huế) đứng ở cửa lớp, dõi mắt theo bóng từng đứa trẻ đầu tóc bù xù, bê bết nước mưa bước vào lớp.

Cứ thấy mỗi học sinh đến lớp là cả hai bạn trẻ nhanh chóng thu xếp chỗ ngồi riêng cho từng em. Đã 7 giờ 30, nhìn tới nhìn lui vẫn chỉ có hơn 10 em. Em nào cũng áo quần bê bết.

Có em lớn “tồng ngồng” nhưng có vài đứa thì bé xíu. Thủy than thở: “Chắc tối ni trời mưa nên mấy đứa lớp 4, lớp 5 đi nhặt rác không về kịp giờ học rồi. Không biết giờ này chúng đang lang thang ở đâu!”.

Em Phước, em Sang qua dãy bên kia ngồi, bên này là của mấy anh chị lớp 5. Còn Nhung, Hương, Vi… lui xuống bàn cuối lớp, chương trình lớp 2 hôm nay sẽ do “cô” Vui phụ trách.

“Hôm nay mưa mới thế thôi, chứ những hôm bình thường các em đi học đầy đủ lắm”, Nga cho biết thêm. Học sinh của mình phần lớn đều là con em nghèo khó, không có điều kiện cho đi học ban ngày, mà phải dành thời gian đó để giúp cha mẹ kiếm sống bằng những tấm vé số, những bao rác. Tối về mới được đi học chữ. Có nhiều em dù được đi học nhưng bữa được bữa mất do phải làm thêm vào ban đêm.

Dưới ánh điện sáng choang của căn phòng mượn được của trường tiểu học An Cựu, cô và trò say sưa “đánh vật” với những con chữ. Căn phòng nhỏ xen lẫn âm thanh của 5 “cô giáo” sinh viên, thỉnh thoảng có thêm vài em học sinh hỏi những câu ngây ngô: “Mẹ em bảo em bán hết 20 tờ vé số mỗi ngày rồi một tháng nữa sẽ mua cho em cái áo mới, nhưng nếu em bán 30 tờ một ngày thì mấy ngày em có áo mới hả cô?”.

Nghe những câu kiểu đó, các cô cũng chỉ biết im lặng.

“Có khi mình đang đọc cho mấy em lớp 2 chép chính tả thì lại đúng lúc lớp 5 đang làm toán, phải cố gắng đọc nhỏ hết sức thì mới đỡ ảnh hưởng đến lớp bên kia, nhưng nhỏ quá thì có em sẽ không nghe được...” - Thanh Thủy tâm sự.

“Thưa cô em phải phân loại cho xong đống rác mẹ giao để kịp người ta đến thu mua nên đến trễ, cô cho em vô lớp!”. Một em nam tóc rễ tre, áo quần dính đầy đất đỏ gác vội tấm áo mưa, lễ phép xin vào lớp.

Lớp học đã đi được gần nửa thời gian. “Những em này quen với kiểu ăn nói “chợ búa” nên khi mới vào học, tụi mình phải dành một vài giờ để dạy về đạo đức cho các em. Nhiều em đã trở nên ngoan ngoãn như vậy đó” - “Cô giáo” Nga giải thích.        

Gọi là lớp cũng được mà trường thì cũng không sai. Sở dĩ như thế là vì lớp được tổ chức theo hình thức “năm trong một”, nghĩa là trong một phòng học nhỏ nhưng lại có đến 5 lớp, mỗi cô giáo phụ trách hướng dẫn một “lớp” 5 - 10 em.

Anh Phạm Văn Phúc, phụ trách tổ Công tác xã hội Thành Đoàn thành phố Huế cho biết: “Số lượng các em học không đông, lại mỗi em một trình độ khác nhau, nếu mở mỗi lớp một phòng học thì rất tốn kém nên phải tổ chức học chung, học ghép như thế này, dù có rất nhiều bất tiện nhưng vì thấy các em ham học nên cũng tạm chấp nhận”.

Những tấm lòng vì lớp học tình thương

“Các em đã quá khó khăn rồi, mình chỉ sợ không có tiền bạc để giúp đỡ thôi, chứ chút công sức bỏ ra vào mỗi tối thì đáng kể gì. Hơn nữa, mình còn là sinh viên Sư phạm, có thêm được cơ hội thực hành giảng dạy thì càng tốt” - Nga tâm sự.

Gắn bó với những đứa trẻ nghèo là các anh chị sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thành phố và mội số học sinh phổ thông. Hiện tại, Thành Đoàn đang có đội ngũ gồm hai mươi thầy cô giáo nằm trong đội Công tác xã hội của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Huế. Tất cả các thầy cô đều đăng ký đến trung tâm để đi dạy tình thương, xuất phát từ sự tự nguyện và hoàn toàn không có một khoản trợ cấp nào.

“Trước đây mình cũng hay đi dạy thêm, dạy kèm, một tháng cũng kiếm   được vài ba trăm giúp đỡ bố mẹ. Nhưng khi biết có lớp học tình thương này, mình đến đăng kí ngay”. “Cô giáo” Đinh Thu Lan - sinh viên trường Đại học Khoa học Huế kể.

Được biết, hoàn cảnh gia đình không cho phép nên ngoài mỗi giờ đi học và đi dạy chữ cho lớp học tình thương này, Lan phải “cày” thêm hai mối dạy kèm mới có đủ tiền để sống.

Ngoài việc dạy chữ, cứ cách vài hôm, các thầy cô giáo lại đến sớm hơn một chút, tổ chức cho các em học sinh nghèo những trò chơi, kể những câu chuyện vui, hay tổ chức những buổi văn nghệ ngay tại sân trường để giúp các em phấn chấn tinh thần trước mỗi buổi học và sẽ thấy bớt thiệt thòi về tinh thần hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Anh Trương Quang Trung, cán bộ Thành Đoàn cho biết: “Hầu hết các anh chị hội viên của đội Công tác xã hội đều là những học sinh, sinh viên nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đều tình nguyện đăng ký đi dạy tình thương mà không đòi hỏi một quyền lợi nào.

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn nhưng họ rất nhiệt tình và được các em học trò nghèo rất yêu quý. Chỉ tiếc điều kiện giảng dạy của năm lớp chung một phòng như vậy thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc tiếp thu kiến thức cũng như các thầy cô trẻ trong việc giảng dạy…”

Quốc Nam

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.