Lớp học 'thiếu gia'

Lớp học 'thiếu gia'
TP - Phụ huynh những lớp tiểu học ở Đà Nẵng mấy ngày nay có nhiều luồng ý kiến khi báo chí nêu hàng loạt trường trên địa bàn thành phố có những khoản thu trái quy định.

Chung quy cũng bắt nguồn từ việc nhiều phụ huynh đại gia quá tích cực trong việc xã hội hóa giáo dục bằng cách chạy đua đầu tư cho lớp học của con mình đạt tiêu chuẩn như trường quốc tế. Từ đó nảy sinh ra mâu thuẫn, một bên muốn đóng, bên bảo không. Còn ngành giáo dục không quản lý nổi.

Trước cổng một trường tiểu học ở quận Thanh Khê, một người bố trẻ sau khi chở con đến trường bằng xe máy, mệt mỏi than phiền: Họp phụ huynh đầu năm mà tối tăm mặt mũi vì các khoản phí, nào là 400 ngàn mua máy lạnh, 300 ngàn cho máy laptop để cô giáo giảng dạy giáo án điện tử, 300 ngàn mua tivi màn hình LCD... Vị chi mất đứt vài triệu đồng.

“Không có cũng phải ráng cho con nó bằng bạn bè. Hội phụ huynh ra thông báo rồi. Không lẽ xin chuyển lớp, rắc rối đã đành, mà chuyển lớp nào cũng thế. Bây giờ thành phong trào rồi” - Vị phụ huynh này nói.

Tại một trường tiểu học ở quận Hải Châu, ai bước vào lớp cũng phải choáng bởi hiếm khi được mục sở thị một lớp học tiểu học lại hoành tráng đến thế: tivi, máy lạnh, máy chiếu, bàn ghế sáng choang. Lớp học tịnh không một hạt bụi, nhìn thật thích mắt.

Vị hiệu trưởng khoe với phóng viên: “Đấy ! Anh thấy chưa, dù có đóng góp cao một tí, nhưng các cháu được học trong điều kiện tốt. Sắp tới, các phòng học trường tôi đều phải đạt chuẩn như thế cả. Phụ huynh họ tự nguyện chứ ai ép ai đâu”.

Trước cổng trường, một bà mẹ trẻ đưa con đến trường bằng ô tô xịn, thẳng thắn: “Tôi thấy chủ trương này được. Mình chỉ đóng một lần đầu năm học chứ có phải thường xuyên đâu. Mà lớp học tốt thì con mình hưởng chứ ai!”.

Có lẽ, bà mẹ trẻ này chưa hiểu được nỗi khổ của một phụ huynh khác khi đưa con đi học bằng xe đạp: “Chúng tôi cũng muốn đóng lắm. Nhưng lấy tiền đâu ra. Bọn trẻ học cùng một trường, mà lớp ngồi máy lạnh, lớp không, chúng nó cũng tủi thân lắm chứ”.

Nhìn những lớp học này, lại chạnh lòng nhớ đến trường học và lều trọ của học sinh dân tộc ở vùng miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Thật một trời một vực. Ngành giáo dục Đà Nẵng giải quyết việc đã rồi bằng cách bắt các trường trả lại tiền đã đóng cho phụ huynh. Việc này vô tình gây phản ứng ngược, tiền đã đóng rồi, thiết bị cũng sắm rồi. Không lẽ bán lại?

Đã đến lúc nhìn thẳng sự thật, ai chẳng muốn ngày càng nhiều những lớp học thiếu gia với cơ sở vật chất hiện đại cho việc học của các cháu! Nhưng quan trọng là cách quản lý của ngành giáo dục thế nào để chính các cháu học sinh tiểu học không bị chạnh lòng “giàu nghèo”. Nền giáo dục chúng ta thì luôn phấn đấu để các em học tiểu học có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.

Về vấn đề này, bạn tôi ở nước ngoài vặn một câu: Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi, hãy hỏi vì sao học giỏi vẫn cứ nghèo? 

MỚI - NÓNG