Lớp xóa mù cho người lớn ở Tây Nguyên

Lớp xóa mù cho người lớn ở Tây Nguyên
TP - Ngoài tuổi 30, 40 các chị mới có cơ hội học xóa mù để đọc được chữ, không còn phải lăn tay điểm chỉ thay chữ ký mỗi khi cần giao dịch hành chính. Những bàn tay chai sần cày cuốc nay đã viết được tên mình.

> Vào lớp xóa mù vùng cao
> 'U50' đi học xóa mù chữ

Học cho mình mà!

Xã Long Sơn nằm biệt lập cuối huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Bao nhiêu năm nay, người dân Long Sơn vẫn ký tên theo kiểu lăn dấu tay điểm chỉ vì không biết chữ.

Sau nhiều lần xã trình đơn xin hỗ trợ mở lớp xóa mù, được huyện chấp thuận đầu tư kinh phí, ngày 1/7/2013 khóa học khai giảng với hơn 100 học viên từ 35 – 45 tuổi, chia thành 3 lớp A,B,C. Học viên được trang bị từ bút, vở đến sách giáo khoa, học vào các buổi tối từ thứ 2 – 6 hàng tuần.

Nông dân rời rẫy sớm hơn, về hoàn tất việc nhà cho kịp lên lớp buổi tối để đánh vần từng từ, gò từng nét chữ trên cuốn vở 5 ly như học trò lớp 1. Anh Lý Văn Chạy, 36 tuổi ở thôn Đông Sơn, học viên nam duy nhất của lớp xóa mù khoe với chúng tôi sau mấy tháng học, anh đã có thể viết được tên mình, tên vợ, tên con, đọc được chữ ở các biển hiệu quảng cáo.

“Học chữ là học cho mình để có kiến thức, học để hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, học để biết cách trồng trọt, chăn nuôi, mua bán,… Nhiều cái lợi như vậy nên mình phải cố gắng học thôi!”.

Học viên cố gò từng nét chữ
Học viên cố gò từng nét chữ.

Chịu khó, chăm chỉ đến lớp đều đặn, chị Hứa Thị May sinh năm 1979, Phó Chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn là học viên xuất sắc nhất lớp A. Thuở nhỏ ở quê chị đã từng đi học. Nhưng học ít nghỉ nhiều vì việc nương rẫy, con chữ dần dần rơi hết, nay có dịp xóa mù, chị hào hứng tham gia. “Học được cái chữ, biết viết, biết đánh vần, đọc được văn bản nên tôi thích lắm! Làm công tác xã hội bản thân phải hiểu biết mới tuyên truyền, vận động chị em tham gia các hoạt động cộng đồng được”, chị May nói.

Xã Long Sơn nằm biệt lập cuối huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Bao nhiêu năm nay, người dân Long Sơn vẫn ký tên theo kiểu lăn dấu tay điểm chỉ vì không biết chữ.

Trong số hơn 100 học viên đi học lớp xóa mù nhiều người đã từng đi học như chị May nhưng quên chữ, cũng không ít người chưa được học bao giờ. Chị Triệu Mùi Phẩy, thôn Nam Sơn ngoài 40 tuổi nhờ được học gần hết chương trình lớp 1, mới nói tiếng Kinh rõ ràng, biết viết tên, đọc chữ và cộng trừ đơn giản. “Hồi đầu đến lớp tôi ngại lắm, may thấy nhiều chị còn lớn tuổi hơn nên tôi mới mạnh dạn tham gia”.

Cô Nguyễn Thị Thảo, chủ nhiệm lớp A có nhiều kỷ niệm thú vị bởi hầu hết các học viên đều lớn tuổi hơn cô giáo. “Dạy chữ cho người lớn rất khó, riêng việc dạy cầm được cây bút cũng đã cực kỳ khó rồi. Để các chị tiếp thu tốt hơn, chúng tôi phải soạn giáo án cho phù hợp dựa trên chương trình sách giáo khoa lớp 1”.

Tiến tới phổ cập tiểu học cho người lớn

Toàn xã có 391 hộ dân với 1.700 khẩu, là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, 96% đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao di cư từ Lạng Sơn, tỷ lệ mù chữ rất cao. Ông Nguyễn Hữu Phố, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn nhớ lại những ngày đầu khai giảng lớp, cả hệ thống chính trị xã xắn tay vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn đi vận động học viên. Có nhà phải đi đến mấy lần mới gặp được, nhà gặp được thì tư tưởng chưa thông, đoàn phải tìm cách khác vận động.

Nhiều chị rất thích đi học nhưng sợ ma, không dám đi đêm, lãnh đạo xã đến nhà động viên chồng đưa vợ đi học, hết buổi đến đón về. Bà con ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên đến lớp đều đặn hơn. Xã thành lập hẳn một Tổ vận động chuyên theo dõi sĩ số, nắm tâm lý để kịp thời thuyết phục học viên muốn nghỉ học trở lại lớp. Sau 4 tháng đi học, các chị đều đã biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản, đọc được hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì phân bón, ngô giống, lúa giống,…

Long Sơn là xã đầu tiên ở Đắk Nông tổ chức lớp xóa mù chữ cho người dân. Kết thúc chương trình lớp 1, xã tiếp tục đề xuất xin tổ chức cho học viên học chương trình lớp 2 tiến tới xóa mù, tránh tái mù chữ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG