Luật Giáo dục: Phải sửa tổng thể

Luật Giáo dục: Phải sửa tổng thể
TP - “Cần có thêm thời gian, với những khảo cứu, tổng kết để sửa đổi luật một cách tổng thể” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị tại buổi thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sáng qua.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự luật, cho rằng: “Luật Giáo dục bộc lộ một số hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung. Song nghiên cứu dự luật kèm tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban nhận thấy một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ.

Một số vấn đề quan trọng từng được đưa vào dự thảo ban đầu và được dư luận quan tâm, thảo luận sôi nổi nhưng bị rút ra khỏi dự thảo. Bởi vậy, hầu hết các nội dung còn lại đề cập trong Tờ trình tuy đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự cấp thiết”.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, nếu không tích cực khảo sát, bổ sung những nội dung quan trọng khác, sự cần thiết phải sửa luật như dự thảo đưa ra là chưa thật sự thuyết phục.

Theo tờ trình và dự luật sửa đổi, thời gian đào tạo tiến sĩ có bổ sung quy định mới, là có thể rút ngắn quy trình so với trước đây (rút ngắn không quá sáu tháng). Ngoài ra, với người đã có bằng thạc sĩ, thời gian sẽ là ba năm (trước đây là 2-3 năm).

Góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, những vấn đề sửa đổi này chưa đề cập vào những vấn đề bức xúc nhất của giáo dục. Trong khi đó, Luật Giáo dục cũng vừa mới được sửa đổi, có hiệu lực chưa tới ba năm (từ 1/1/2006).

“Hiện nay các cháu học vất vả quá, nhất là để học đều các môn. Quốc hội cũng đã nêu vấn đề này nhiều lần. Rồi vấn đề thi cử gây lãng phí, tốn kém, bức xúc cho xã hội”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận.

Ngay chính sách tổ chức thi cử theo cụm, theo tuyến, cũng không ổn. “Chấm chéo, để các trường giám sát lẫn nhau, vô tình dạy cho con cháu chúng ta ngay từ ban đầu sự không tin nhau”- Ông Thuận nhận định. 

Nên miễn học phí ngành sư phạm

Dự thảo luật và báo cáo thẩm tra đưa ra quan điểm sửa đổi thay thế quy định không phải đóng học phí bằng quy định cho hưởng tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Đồng thời, khi ra trường nếu những đối tượng này làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở theo quy định thì không phải hoàn trả khoản vay học phí đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, quy định này sẽ có tác động rất lớn đến xã hội. “Cần có tổng kết việc sinh viên, học sinh không theo nghề như thế nào mà phải thay đổi chính sách này. Hiện nay, nhiều nơi thừa nhưng nhiều nơi vẫn rất thiếu giáo viên. Vấn đề là chưa có chính sách để điều tiết. Nên giữ như quy định cũ”- Ông Hà Văn Hiền đề nghị.

Có ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi cho cả học sinh, sinh viên bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa-nghệ thuật, hoặc với sinh viên, học sinh mà sau khi ra trường về công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

MỚI - NÓNG