Luật giáo dục: Sửa đổi bổ sung những nội dung cấp thiết

Luật giáo dục: Sửa đổi bổ sung những nội dung cấp thiết
TP - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005, thảo luận tại hội trường sáng 24/10 và chiều 30/10 sẽ được Quốc hội bỏ phiếu thông qua ngày 25/11, tại Kỳ họp Thứ sáu, Quốc hội Khóa XII.

Theo dõi báo đài, cử tri vui mừng thấy rằng các đại biểu quốc hội đã thảo luận ở tổ sôi nổi, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm, với mong muốn làm cho Luật Giáo dục qua lần sửa đổi bổ sung này là cơ sở để giải quyết những vấn đề đang làm cho xã hội hết sức không yên tâm.

Từ báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội và các bài tường thuật buổi thảo luận tại các tổ, nổi lên các ý chính được nhiều đại biểu quốc hội cùng chia sẻ:

(1) Phần lớn các nội dung mà dự thảo đề xuất để sửa đổi bổ sung là những vấn đề cần nhưng chưa thực sự cấp thiết, trong khi nhiều vấn đề mà xã hội băn khoăn, bức xúc thì không được đưa vào. Do đó sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật là chưa thực sự thuyết phục.

(2) Nhiều nội dung được đưa vào Luật sửa đổi bổ sung nhưng chỉ là những quy định chung chung, không có điều khoản bắt buộc hoặc chế tài, cho nên về thực chất vẫn là giao về cho hành pháp quy định.

(3) Chất lượng giáo dục đại học đúng là có vấn đề. Việc chuyển thẩm quyền quyết định thành lập các trường đại học từ Thủ tướng Chính phủ về Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), ý kiến còn rất khác nhau, theo hai luồng chính: không đồng ý, và đồng ý với điều kiện quy định quyền hạn và trách nhiệm của bộ trưởng phải rõ ràng.

(4) Từ đó có ý kiến liệu việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đưa ra thảo luận và thông qua ngay trong kỳ họp lần này có quá gấp không.

Trên nội dung thứ (3), theo thiển ý của tôi, cho dù có giao về cho ai quyết định thì bài toán chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nguyên chừng nào khâu quản lý giáo dục đại học, khâu quản lý nhà nước nói chung của Bộ GD&ĐT chưa được chấn chỉnh và nâng cao.

Để minh chứng sự yếu kém này, tôi không trở lại các vụ “đại học quốc tế Hồng Bàng” hay “đại học Phan Thiết” mà muốn nhìn lại việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa Luật Giáo dục năm 2005.

“Trong suốt ba năm 2006 - 2008, bộ máy của Bộ không đảm đương nổi công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều văn bản thuộc thẩm quyền cấp trên và nhiều văn bản trọng yếu thuộc thẩm quyền của bộ trưởng chưa được ban hành, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống và làm giảm uy tín của Bộ trong công tác này.

Trong khi đó nhiều văn bản đã được ban hành ngoài kế hoạch, mặc dù kế hoạch này do chính các đơn vị đề xuất để bộ trưởng phê duyệt, giao nhiệm vụ”. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày như thế với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với sự trì trệ trong việc ban hành kéo dài hơn ba năm qua, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 lần này, nếu được thông qua vội vã, với quy định chung chung (nghĩa là ắt sẽ có thêm một số quy định mới giao cho Bộ phải chuẩn bị để trình ban hành hoặc phải ban hành), điều gì sẽ xảy ra?

Thực tế cho thấy không riêng ở ngành nào, địa phương nào, các văn bản pháp quy thiếu, chất lượng không cao là mảnh đất thuận lợi cho sự quản lý tùy tiện phát triển, cho việc biến quyền lực nhà nước thành quyền lợi cá nhân, làm tha hóa bộ máy nhà nước.

Còn nữa

Gs.Tskh. Nguyễn Ngọc Trân
Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X và XI.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.