Lương giáo viên sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần?

Lương giáo viên sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần?
Đề án tăng lương cho giáo viên được bàn ở diễn đàn Quốc hội làm nức lòng đội ngũ giáo viên đang từng ngày bám lớp ở cơ sở.
Lương giáo viên sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần? ảnh 1
Thu nhập giáo viên tiểu học sẽ là 3,2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Ngày 28/11, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát về thu nhập của giáo viên hiện nay ở TP.HCM.

Ông Ngô Huynh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM), cho biết thu nhập chung của giáo viên hiện nay khó có thể nói là thấp hay cao. Tuy nhiên, nếu bóc trần lương cơ bản ra thì quả là thấp, giáo viên khó có thể yên tâm với nghề.

THPT: thu nhập 1,2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng

Ông Huynh chỉ ra một thực tế ở Trường THPT Võ Thị Sáu, mức lương của một giáo viên có thâm niên khoảng hơn 30 năm chỉ được 3 triệu đồng. Còn lương của giáo viên mới ra trường chỉ có khoảng 1,2 triệu đồng. Khoản này đã được cộng thêm 30% trợ cấp đứng lớp.

Dự kiến lương của giáo viên tăng 1,7 - 1,8 lần

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết đề án tăng lương giáo viên đang bàn với Bộ Tài chính. Mức lương giáo viên tiểu học hiện nay bình quân là 1,4 triệu đồng/tháng, bậc THCS là 1,5 triệu đồng/tháng và bậc THPT là 1,8 triệu đồng/tháng.

Với mức tăng dự kiến lên 1,7 - 1,8 lần, thu nhập giáo viên tiểu học sẽ là 3,2 triệu đồng/tháng, THCS là 3,4 triệu đồng/tháng...

Như vậy, trong số ngân sách phân bổ cho ngành giáo dục, chi cho lương đang chiếm 34% hiện nay (khoảng 37.000 tỉ đồng) sẽ chỉ tăng lên khoảng 36% (tức 41.000 tỉ đồng) vào năm 2010. Điều này là có thể chấp nhận được.

Xây 1.000 nhà công vụ cho thầy cô giáo vùng xa

Để đưa giáo viên về vùng sâu, vùng xa giảng dạy, Bộ GD-ĐT đã có chính sách tăng phụ cấp 70%. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa giải quyết được tất cả các vấn đề, đặc biệt là về nhà ở cho giáo viên.

Hiện Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị đề án để kêu gọi các thầy, cô giáo trong cả nước và các doanh nghiệp hỗ trợ để xây nhà công vụ cho các thầy, cô ở vùng sâu, vùng xa.

Để có một nhà công vụ cần 100 triệu đồng, Bộ GD-ĐT vận động thầy, cô giáo trong ngành tiết kiệm và kêu gọi các doanh nghiệp góp sức để có thể xây 1.000 nhà công vụ cho 8.000 thầy cô giáo (cần khoảng 100 tỉ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh mức lương cơ bản như đã nêu thì giáo viên của trường còn có các khoản phụ cấp khác từ các nguồn thu của trường như thu từ căng tin, bãi xe, trung tâm ngoại ngữ, tiền tăng tiết... nên mỗi giáo viên cũng có thêm gần 1 triệu đồng phụ cấp/tháng.

Và hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi giáo viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/giáo viên như ở Trường THPT Võ Thị Sáu không phải là cao nhưng cũng đủ sống theo như nhận xét của hiệu trưởng trường này.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện để cải thiện thu nhập cho giáo viên. Điều này thể hiện rõ ở các trường thuộc khu vực ngoại thành.

Trường THPT Bình Chánh là một trường nằm ở khu vực ngoại thành TP.HCM.

Cũng giống như các trường ở khu vực nội thành khác, trường cũng có căng tin, bãi giữ xe, trung tâm văn hóa ngoài giờ.

Có khác chăng, các hoạt động nhằm phụ cấp thêm thu nhập cho giáo viên lại chẳng được bao nhiêu.

Cô Hoàng Diễm, giáo viên dạy văn đã có thâm niên 4 năm ở trường này, cho biết toàn bộ thu nhập hằng tháng của cô chỉ gần 1,2 triệu đồng (900.000 đồng cộng với 30% phụ cấp đứng lớp). Với mức thu nhập này, cô sống một cách chật vật.

Mầm non, tiểu học: Thu nhập 900.000 đồng/tháng

Ông Phan Văn Kèo, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết, thu nhập bình quân của giáo viên trong huyện hiện nay được đưa vào danh sách thấp nhất của TP.HCM. Giáo viên mới ra trường mỗi tháng được nhận từ 700.000 - 900.000 đồng tiền lương, người có thâm niên 25 -27 năm thì được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài thu nhập chính là lương, thu nhập của giáo viên trong huyện hầu như không có thêm khoản nào ngoại trừ một số trường có tổ chức dạy 2 buổi/ngày và có tổ chức bán trú cho học sinh. Ở những trường này, thu nhập tối đa của giáo viên không quá 2 triệu đồng/tháng.

Tại quận Bình Tân (TP.HCM), thu nhập của giáo viên không có gì hơn so với giáo viên huyện Hóc Môn - chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lương. Theo ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng Phòng Giáo dục quận, ở nơi mà thu nhập của người dân còn thấp, giáo viên không thể cải thiện thu nhập bằng việc dạy thêm, bởi có tổ chức dạy thêm cũng chẳng có học trò đến học và trường cũng không có cách gì để tạo thêm thu nhập cho giáo viên của mình.

Trong hoàn cảnh đó, ngoài công việc ở trường, lúc rảnh rỗi, giáo viên phải làm những công việc khác để mưu sinh. Ông Vĩnh cho biết lương của giáo viên có thâm niên 5 năm của huyện bình quân là 900.000 đồng/tháng. Ông Vĩnh cho rằng nếu thu nhập của giáo viên chỉ dựa vào lương thì quả là khó khăn lắm.

Thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng ở đại học

Ở khu vực đại học, thu nhập giáo viên có đỡ hơn. Theo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hiện nay, cán bộ, giảng viên nói chung nhận được 2 khoản: lương ngân sách (theo hệ số, ngạch, bậc... ) và lương trường (từ nguồn tự có của trường) với mỗi khoản xấp xỉ nhau: 1,8 triệu đồng/tháng/người.

Ngoài ra, giảng viên có thể tăng thêm thu nhập từ việc dạy thêm các hệ không chính quy nhưng rất không đều nhau giữa các ngành, các khoa vì tùy thuộc vào số lượng lớp, sinh viên, ngành nhiều ít...

Nhìn chung, giảng viên dạy thêm có thể đạt thêm mức bình quân khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng/người (cao nhất có thể 6-8 triệu đồng/tháng).

Như vậy, mức thu nhập bình quân của cán bộ, giảng viên vào khoảng gần 4 triệu đồng/tháng/người, chưa đến mức đóng thuế thu nhập cá nhân.

Theo Người Lao Động

MỚI - NÓNG