Luồng gió mới trong giáo dục đào tạo

Luồng gió mới trong giáo dục đào tạo
Trong một thời gian ngắn, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã làm được khá nhiều việc: đối thoại với phụ huynh học sinh Quỳnh Anh trên báo Tuổi Trẻ, thăm nhà giáo Đỗ Việt Khoa, làm việc với Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam...
Luồng gió mới trong giáo dục đào tạo ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thăm thầy Đỗ Việt Khoa

Những việc ấy, đủ tạo nên luồng gió mới cho nền học nước nhà.

Sáng 28/7 tại Hà Nội, lễ chính thức công bố quyết định bổ nhiệm GS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trước đó, ngày 7.7, ông Nhân cũng đã có buổi gặp mặt đầu tiên với các vị trong ban lãnh đạo của Bộ GDĐT.

3 tuần giữa 2 cuộc họp quan trọng này quả là ngắn, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã làm được khá nhiều việc (đối thoại với phụ huynh học sinh Quỳnh Anh trên báo Tuổi Trẻ, thăm nhà giáo Đỗ Việt Khoa, làm việc với Hà Nội, Hà Tây, thăm tỉnh Bắc Cạn...) đủ tạo nên luồng gió mới cho nền học nước nhà.

Và vì thế, cử tri cả nước có lý do để gửi gắm niềm tin, hy vọng, chia sẻ gánh nặng cùng tân bộ trưởng trong những năm tháng sắp tới.

Cũng có một số người cẩn trọng hoặc khó tính bảo rằng, hãy đợi đấy chờ xem, song bằng những đóng góp của ông cho TPHCM về phát triển kinh tế và KHCN, tôi tin bộ trưởng đã có sẵn trong đầu một chiến lược dài hơi và kế hoạch trước mắt.

Nhưng cái sự nhạy bén với tình hình, cử chỉ xông xáo của ông lúc này là rất cần thiết, chí ít cũng làm yên lòng cử tri cả nước. Tôi chỉ mong bộ trưởng có những chuyến thị sát sâu hơn để tìm hiểu vì sao mùa thi ĐH-CĐ vừa qua ở Trường ĐHSP Hà Nội có tới 655 bài thi sử bị điểm "0", ĐH An Giang chỉ có 20% bài thi địa đạt "5" điểm trở lên, rồi những bài thi văn cười ra nước mắt ở ĐH QG Hà Nội, hoặc đến huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chứng kiến 1 trong 800 quận, huyện đã có gần tỉ đồng thiết bị dạy học đang nằm chờ cho hư nát...

Xin bộ trưởng hãy đích thân hoặc cử người đi thị sát sự thất học của thanh thiếu niên, nhi đồng ở huyện Mang Đen (Kon Tum) hay các cù lao ở Cần Thơ, An Giang... Chỉ với những chuyến thị sát sâu rộng thì khi bộ trưởng hoạch định chiến lược lâu dài, kế hoạch trước mắt cho nền học nước nhà mới không bị các báo cáo thành tích lâu nay che giấu nhiều thực trạng nóng và bức xúc:

Những gì diễn ra xung quanh mùa thi năm 2006 cũng sẽ giúp bộ trưởng nhận ra nhiều điều. Những sự thật phơi bày qua các bài thi của thí sinh (đặc biệt là các môn văn- sử- địa) đã chứng tỏ cách dạy và học ở trường phổ thông đang tồn tại nhiều lỗ hổng kiến thức đến mức tệ hại. Rồi đây, ông sẽ có đối sách gì cho một nền học hư danh, kỷ cương học đường rạn vỡ?

Nguy hiểm hơn khi trí dục đang làm hỏng đức dục, nên gian lận  thi cử tràn lan khắp nơi, thậm chí cả những vị công chức lớn tuổi, có vị thế xã hội cũng gian lận để kiếm lấy mảnh bằng như các ông Phó Thanh tra tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Sở Tài chính Vĩnh Phúc, cán bộ cấp trưởng phòng ở Bệnh viện T.Ư Huế... Rồi ông thầy trưởng khoa Trường Cao đẳng Phát thanh và truyền hình ở Phủ Lý dám ngang nhiên mặc cả điểm thi trên thân xác của trò!...

Chúng ta đã chi quá nhiều tiền cho các dự án đổi mới nền giáo dục phổ thông, nhưng hiệu quả thì ra sao? Điển hình là "Dự án đổi mới chương trình và nội dung SGK giai đoạn 2001- 2005" tiêu tốn hơn 2.000 tỉ đồng và trong đó, GDĐT đã tiêu hết 144 tỉ đồng cho việc nghiên cứu triển khai và điều hành chung ở cấp bộ. Vậy mà liên tục xảy ra những sai sót.

Lại nữa, dự án đầu tư 14.000 tỉ đồng cho TBDH (2002-2007), nhưng sự lãng phí thì thật khủng khiếp, vậy thì năm học 2006- 2007 ta có nên tiếp tục chi 1.000 tỉ đồng cho sự lãng phí ấy không?

Ngành GDĐT đang cần một sự thay đổi lớn và nhân dân đang kỳ vọng nhiều ở tân Bộ trưởng. Một luồng gió mới đang thổi lộng và 83 triệu dân luôn ở bên bộ trưởng, nếu ông quyết làm và làm đến cùng vì sự nghiệp chấn hưng nền học.

Theo Vũ Ngọc Tiến
Báo Lao động

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.