Luyện chữ vào lớp... 1!

Luyện chữ vào lớp... 1!
Mới đầu hè nhưng nhiều lớp học thêm dành cho trẻ mầm non cuối cấp đã không còn chỗ trống. Những đứa trẻ ở lứa tuổi thích chơi thích ngủ đã bắt đầu đánh vật với những con chữ...

Tôi tìm đến nhà một giáo viên (GV) đã về hưu ở con hẻm đối diện chợ Phú Nhuận, TP.HCM. Lớp chỉ cỡ 15m2 nhưng có hơn 25 học sinh (HS). Vì khuôn viên quá hẹp nên để tận dụng, cô giáo đã xếp bàn ghế cái ngang cái dọc.

Những chiếc bàn đôi được xếp 3-4 HS. Ba em ngồi ngang và một em ngồi đầu bàn vuông góc với những bạn còn lại, những em ngồi bên trong là “chết gí” tại chỗ, khỏi cựa quậy...

Tôi không hiểu các em có thể viết chữ đẹp được không khi những cuốn tập mở đôi xếp khít vào nhau và những cánh tay đụng lẫn nhau như vậy.

Lớp có hai cô cùng chia nhau đi sửa bài cho cháu nhưng với khuôn viên chật cứng như vậy cô khó tiếp cận từng HS. Tôi không hi vọng con mình được cô giáo cầm tay nắn nót những chữ đầu đời hay có thể sửa được tư thế cầm bút, tư thế ngồi nếu vào học ở đây.

Cô giáo cho biết những đứa trẻ đang học ở đây đều đã học cả năm nay. Lớp cô dạy đến bốn suất/ngày (mỗi suất hai giờ) mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của phụ huynh. Lớp học đông có lẽ do mức học phí khá thấp: 130.000 đồng/tháng với năm buổi/tuần, thấp hơn nhiều nơi khác.

Tôi tiếp tục đưa con tìm đến một lớp học khác ở gần chợ Bàn Cờ. Lớp này dạy hai buổi/tuần với học phí 200.000 đồng/tháng. Lớp học ở đây là một phòng khách nhỏ với gần 20 HS trông khá chật chội.

Chị Mai - phụ huynh có cháu học tại một trường mẫu giáo trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 (TP.HCM) - kể sau một ngày ở trường, chiều về cô giáo dẫn cháu cùng khoảng 20 đứa trẻ khác về nhà cô kèm thêm chương trình lớp 1. Cách này xem như một công đôi chuyện, vừa cho con học chữ trước vừa có thể yên tâm đi làm về trễ.

Vì sao học trước?

Cô Thu, một cán bộ quản lý ở quận Tân Phú (TP.HCM), cho rằng: “Trẻ học trước có thể hơn những trẻ chưa được học trong một thời gian, nhưng khoảng cách này sẽ rút ngắn dần khi qua học kỳ 2. Ngược lại đối với trẻ học trước, vào lớp 1 cô dạy những chữ trẻ đã biết rồi nên không chú ý nghe và như vậy ngay từ đầu trẻ đã có thói quen thiếu tập trung, ảnh hưởng đến lớp học, khiến GV rất vất vả...”.

Giáo viên không thể cầm tay sửa chữ (!)

Một GV lớp 1 cho biết: “Lớp học đông, phòng ốc chật hẹp, GV chỉ có thể hướng dẫn cách cầm bút, nhắc nhở những em không đúng tư thế chứ không thể nào len lỏi vào từng em để cầm tay sửa chữ, hơn nữa cũng không đủ thời gian.

Vào lớp 1 hiện nay từ 70- 80% đã biết chữ, nhiều GV bị cuốn theo số đông này hoặc không “bao quát” lớp, vì vậy thiểu số còn lại nếu không được phụ huynh quan tâm theo sát sẽ không vững, viết chữ xấu”.

Khi thấy con cầm bút bằng những ngón tay chụm vào nhau, bàn tay khum khum chúi ngược xuống để giữ cây bút tập tô chữ, tôi mới giật mình. Nhiều cháu khác cũng vậy. Tôi hiểu nguyên nhân do các cháu quen cầm bút màu sáp để tô màu nên khi chuyển sang bút viết cũng giữ thế bút đó.

Chị T., phụ huynh Trường mầm non HM (quận 3), tâm sự: bốn năm trước, chị cũng tuân thủ quan điểm không cho con học trước và hậu quả là đứa con lớn của chị (năm nay vào lớp 5) hè này phải đưa vào nhà thiếu nhi rèn chữ viết vì chữ quá xấu, còn tay cầm bút vẫn cứ khum khum chúi ngược xuống không cách nào sửa được. Rút kinh nghiệm, năm nay đứa con nhỏ vào lớp 1, chị nhất quyết tìm thầy cho con học trước ngay từ đầu lớp lá, chủ yếu luyện viết chữ.

Ở trường mẫu giáo, HS chỉ được làm quen với việc đọc các chữ cái nhưng hoàn toàn không được dạy viết; trong khi ở lớp 1, chỉ mới khoảng hai tháng sau khai giảng đã thấy HS lớp 1 tập chép, thậm chí viết vài câu dạng chính tả.

Một cô giáo ở quận Tân Phú cho biết cho đến giữa học kỳ 2 mới có phân môn chính tả. Tuy nhiên do HS thường rơi vào tình trạng đọc tốt mà không nhớ mặt chữ để viết, nên khoảng tuần thứ chín sau khi kết thúc phần âm, nhiều GV bắt đầu cho HS làm quen với kỹ năng viết, tức làm quen với phân môn chính tả bằng cách đọc cho HS viết.

Với những thực tế trên, dù biết ưu khuyết của việc cho con học trước, nhiều phụ huynh vẫn đưa con tới lớp học thêm để chuẩn bị trước một bước vỡ lòng, mà không phải ai cũng biết thầy cô ở những nơi đó dạy dỗ ra sao.

Theo Đức Hiên
Tuổi Trẻ 

MỚI - NÓNG