Luyện thi giá... 20 triệu

Luyện thi giá... 20 triệu
Giá luyện thi ở các trung tâm có nhích lên một chút so với năm ngoái. Nhưng mức 20 triệu đồng/năm thì thật khó tin: Học gì trong đó mà giá "luyện" cao thế?

Trong vai một phụ huynh đi tìm chỗ học cho người thân, chúng tôi đến trung tâm luyện thi Đại học Nội trú Chất lượng cao Tân Khoa. Đối với khối B, chỉ có một mức học phí: 9, 5 triệu đồng/năm, học 42 tiết/tuần. Khối D: 7,5 triệu đồng/năm, học 33 tiết/tuần.

Riêng khối A, Trung tâm có 3 dạng lớp với 3 giá tiền khác nhau. Lớp chất lượng cao: 25 - 30 học sinh, 30 tiết/1 tuần, học phí 4,8 triệu đồng/năm. Lớp đặc biệt: 15 - 17 học sinh, học 3 ca, học phí 9,5 triệu đồng/năm. Và một lớp "trên cả đặc biệt" kèm riêng, gồm 6 - 8 học sinh, học 3 ca sáng, chiều, tối, có giá tới... 20 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, hàng năm trung tâm tổ chức lớp chọn cho 20 học sinh với điều kiện thông qua tuyển sinh đầu vào. Trong quá trình học, nếu không đảm bảo được chất lượng, chương trình có thể ra khỏi lớp này và chọn học sinh khác thay thế để đạt chất lượng đậu 100%. Với lớp học này, ngoài tiền học phí, học sinh phải đóng 200.000 đồng/tháng.

Ông Lê Ngọc Sơn, phụ trách trung tâm giải thích, điểm khác của trung tâm là giờ học nhiều hơn và quản lý học sinh chặt hơn. Ngoài việc dạy theo chương trình, trung tâm hướng dẫn phương pháp học tập, tinh thần làm việc nhóm và "nhiều điều bổ ích" khác.

Mỗi tháng, trung tâm sẽ tổ chức làm bài kiểm tra một lần, kết quả học tập sẽ được báo về gia đình. Nếu học sinh nào lơ là chuyện học, gia đình và nhà trường sẽ cùng có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Nghe đến lịch học, chúng tôi không khỏi "choáng": Ngày học 3 buổi, kín hết các ngày trong tuần. Đối với các em nội trú, buổi tối có người giám sát việc học ngay tại phòng học của trường. Với phương châm "cần cù và có chút tố chất sẽ đậu đại học" nên trung tâm áp dụng kiểu học cả ngày.

Đáp lại sự băn khoăn của chúng tôi về chương trình học kín mít như thế, ông Sơn phân trần: "Thi đại học bây giờ không dễ, nên phải gò như thế, các em còn trẻ người non dạ, chưa ý thức được việc học đâu. Người lớn phải giúp bằng cách ép các em học".

Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại về số tiền khá lớn phải bỏ ra, liệu trung tâm có bảo đảm đậu đại học hay không, nhân viên ghi danh trấn an, cả mấy trăm học sinh đang học ở đây chứng tỏ nhiều phụ huynh đã tin tưởng rồi (?).

Học phí đắt vì... quản lý chặt hơn

Theo ý kiến ban đầu của cơ quan chức năng, hiện không có quy định mức học phí khung cho các trung tâm luyện thi. Nhưng Sở GD&ĐT không bao giờ duyệt cho một trung tâm luyện thi thu mức học phí 10 hay 20 triệu.

Cũng không có giấy phép nào quy định để các trung tâm luyện thi tổ chức nội trú cho HS.

Em T.T.H, sau vài buổi đi học thử cho biết: "Chương trình học và cách dạy cũng bình thường như những trung tâm khác. Học phí mắc hơn chắc tại... học nhiều giờ hơn và nội quy học nghiêm ngặt".

Tại cơ sở, phòng học ở những tầng dưới và lối đi là chung. Vì thế, nếu học sinh lớp trên đi học muộn hoặc ra ngoài khi có việc cần sẽ phải đi qua phòng học của lớp dưới. Vì phòng học liền kề với phòng ở, nên học sinh đi ra vào khá tự nhiên.

Có dịp đi tham quan khu nhà ở, học tập của học viên (đường Trường Chinh, Tân Bình), chúng tôi nhận thấy phòng trọ của các em khá chật chội. Một phòng ở khoảng 80m2 nhưng chứa đến 36 học sinh. Giường tầng được xếp sát sạt. Quần áo của học sinh được treo kín cả đầu giường. Vệ sinh xung quanh môi trường học cũng khó mà bảo đảm.

Đối với cơ sở (Điện Biên Phủ), phòng ở cũng không khá hơn. Phòng nhỏ xíu và giường tầng cũng được xếp san sát. Quần áo giặt phơi ngay trước cửa phòng ở. T.T.H còn cho biết thêm: "Phòng học chỉ chứa đủ 15 - 16 học sinh. Nếu có muốn thêm cũng không có chỗ để ngồi."

Tiếp xúc với một vài học viên đang theo học, các em cho hay: Hai tháng đầu đang học chương trình sách giáo khoa có nâng cao. Thầy cô dạy cũng dễ hiểu, tiếp xúc bài vở tốt.

Nhiều học sinh đến với trung tâm là nhờ sự giới thiệu của những anh chị đã từng ôn và đã đậu đại học. Tuy nhiên, việc ăn ở làm các em bức xúc. Bởi phòng ở quá nóng bức, chật chội. Chất lượng của bữa ăn cũng không tốt.

Hầu hết các học viên của Tân Khoa đều ở nội trú. Mỗi tháng tiền ăn, ở với giá 700.000 đồng (tiền ăn 400.000 đồng). Nhân viên ghi danh giải thích, mỗi tháng tiền ở và "theo dõi học tập" là 300.000 đồng. Bạn T.T.H nhận xét: "Chắc các bạn ở riết nên quen. Chứ người ở ngoài vô học thì không chịu nổi các phòng học thiếu không khí như thế."

Ai quản chất lượng?

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 36 trung tâm luyện thi đang hoạt động tại TP.HCM, mỗi trung tâm có vài chi nhánh. Có trung tâm do Sở GD-ĐT cấp phép, cũng có những trung tâm do các trường đại học, cao đẳng tổ chức. Trung tâm nào cũng có bảng thành tích các học viên đậu đại học, dù chất lượng không dễ gì đánh giá

Giá cả của các trung tâm cũng không thể kiểm soát, bởi không có quy định nào về giá trần. Các trung tâm thu học phí theo mức “lên xuống” của thị trường, và sẽ không tránh khỏi nhiều trường hợp giá tiền không tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo.

Tại hội nghị giao ban của Bộ GD-ĐT với các giám đốc sở GD-ĐT tại Bến Tre, đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc quản lý các trung tâm luyện thi. Chẳng hạn như quyền chi phối, kiểm tra các trung tâm luyện thi do các trường đại học tổ chức hoặc cấp phép… sẽ giao về đâu?

Quy định mới về dạy thêm, học thêm cũng cố gắng phân cấp, phân trách nhiệm rõ ràng vào tay các cơ sở quản lý giáo dục. Cấp phòng GD-ĐT có quyền cấp giấy phép cho các hoạt động dạy thêm, học thêm ở bậc THCS. Bậc THPT thì giao cho sở GD-ĐT. Một lớp học thêm sẽ không được phép quá 30 học sinh. Thậm chí, có ý kiến đề xuất cần có quy định thời gian học thêm tối đa trong tuần.

Nhưng cái khó là ngay cả khi những quy định chặt chẽ ấy được ban hành, thì liệu có đủ người giám sát, quản lý chặt chẽ? Và chất lượng của các trung tâm vẫn là một ẩn số, dù các bậc phụ huynh vẫn không còn nhiều sự lựa chọn để “từ chối” những lời quảng cáo chất lượng kêu như chuông mà không hề có sự kiểm chứng nào!

Theo Đoan Trúc
VietNamNet

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.