Luyện thi qua... mạng

Luyện thi qua... mạng
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, lượng thí sinh đến luyện thi tại các "lò" đang giảm đi. Thay vào đó, nhiều người đã luyện thi qua máy vi tính và mạng Internet.
Luyện thi qua... mạng ảnh 1

Ảnh Minh họa: A.Dũng (SGGP)

Tấm bảng treo trong văn phòng “Sự học vô bờ - Siêng học là bến” tại “lò” luyện thi ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (quận 1, TPHCM) như muốn thúc đẩy tinh thần luyện thi cao độ của các sĩ tử. Cô nhân viên ghi danh quảng cáo: “Trung tâm phát tài liệu miễn phí cho học viên. Các thầy dạy ở đây đều cập nhật thông tin cải cách thi cử từ báo chí (!?)…”.

Cô này chưa kịp dứt lời thì một học viên từ phòng học chạy ra: “Chị ơi, cho thầy mượn báo có đăng phần trọng tâm ôn thi tú tài, đại học, cao đẳng”. Cách “lò” này khoảng 100m, cũng trên đường Đinh Tiên Hoàng, Trung tâm luyện thi Đ.H N.L. dù khai giảng từ ngày 9 - 2 - 2006 nhưng vẫn “hăng hái” tiếp nhận thêm học viên bằng cách cho học thử hai ngày để “xem có theo kịp các bạn trong lớp không…”.

Trong hàng trăm “lò” luyện thi đại học, cao đẳng giăng khắp TP.HCM, có thể nói Trung tâm luyện thi của Đại học Sư phạm TP.HCM mạnh về quân số nhất, với vài chục chi nhánh rải nhiều quận huyện và các tỉnh lân cận.

Kế đến là Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa của Đại học Quốc gia TP.HCM. Cho đến thời điểm này, mặc dù những lời quảng cáo hấp dẫn như “Đảm bảo đậu” không còn rao công khai, nhưng nhiều “lò” lại có chiêu thức mới bằng cách cho “học thử lớp, thử thầy” để chiêu dụ học viên.

Tuy nhiên, khác với những năm trước, đến thời điểm hiện tại mà băng - rôn luyện thi đại học không thấy treo đầy đường và quảng cáo trên các báo cũng đã thưa thớt.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện số lượng học viên đăng ký tại các “lò” luyện thi giảm so với… cùng kỳ năm ngoái. Một nhân viên của Trung tâm luyện thi Đại học Sư phạm đã khẳng định điều này bằng lời than: “Học viên giảm cũng ảnh hưởng đến lương nhân viên”.

Luyện thi bằng CD và... qua mạng

Những năm gần đây, các nhà xuất bản và các tay làm sách đã nhảy vào thị trường béo bở này bằng những cuốn sách in ấn đẹp đẽ. Nào là "360 bài toán Hóa học 10 - 11 - 12, luyện thi đại học" (NXB ĐH Quốc gia TP.HCM), “125 bài văn dành cho học sinh luyện thi đại học, cao đẳng” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), “Toán dao động và sóng cơ học - những bài toán cơ bản luyện thi ĐH” (NXB Tổng hợp TP.HCM)…

Không chỉ thế, các NXB còn nhanh nhạy xuất bản thêm loại sách điện tử - CD rom ôn luyện thi.

Kỷ nguyên công nghệ thông tin, thí sinh còn có thể luyện thi qua máy vi tính và mạng Internet. Các sĩ tử lướt web, tìm các website phổ biến kiến thức, đào tạo từ xa dính đến các môn học mà mình chọn thi. Ngay trên website www.edu.net.vn của Bộ GD-ĐT cũng đặt trang trọng một mục “Đề thi - đáp án tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

Hệ thống luyện thi trực tuyến Trường thi của Công ty VASC thuộc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông là “lò” luyện thi trên Internet đầu tiên ở Việt Nam. Học sinh mua thẻ Educard Trường thi rồi đăng nhập vào hệ thống là có các bài giảng ôn thi đại học trực tuyến với giá 3.500 đồng/bài, thư viện đề thi giá 100 đồng/lần truy cập, thư viện kiến thức giá 100 đồng/lần truy cập. Thông tin tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp thì được cung cấp miễn phí.

Các phần mềm và CD luyện thi đại học, cao đẳng cũng là trợ thủ đắc lực cho các sĩ tử. Ôn thi qua CD và Internet tiện lợi nhờ tính tương tác và ra kết quả nhanh của máy tính.

Ví dụ, với phần trắc nghiệm môn toán, học sinh có thể chọn một bộ đề hoặc một chủ đề làm bài. Mỗi câu trắc nghiệm có 5 sự lựa chọn, thời gian trả lời trung bình là 1 phút 30 giây.

Cũng có thể chọn riêng một câu để làm hoặc xem đáp án. Ngoài ra dùng công cụ phần mềm như Mathtool, học sinh có thể nhanh chóng vẽ đồ thị một hàm hoặc nhiều hàm cùng một lúc, tính giới hạn (lim) của một biểu thức hay giải nhanh phương trình bậc 1,2,3 và phương trình tổng quát fx = 0…

Em Trần Văn Thạnh, một học sinh thi rớt năm ngoái cho biết, năm nay em không đến “lò” nữa, mà tự luyện qua CD và Internet. Học kiểu này rẻ hơn nhiều, đỡ phải đi xa. Hàng ngày em chỉ cần mở máy tính lên, đặt đĩa CD vào, hoặc đến điểm Internet công cộng tốc độ cao ở gần nhà, là tha hồ lướt web… luyện thi.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Đại học Quốc gia TP.HCM, việc ra đề theo phương thức mới đòi hỏi học sinh phải có cách học mới, giảng viên cũng phải có cách dạy mới. Vì đề thi đại học dù cô đọng nhưng mang tính kỹ thuật khá cao, dù nằm trong chương trình học phổ thông nhưng lại ra theo hướng chuyên sâu.

Chẳng hạn môn toán, ngoài thuộc phần công thức toán, các em còn phải nắm bắt hồn công thức, biết vận dụng công thức trong từng đề toán cụ thể.

Ngưỡng cửa bước vào đại học là một cuộc “chạy đua” khắc nghiệt, do vậy, luyện thi đại học vẫn là một nhu cầu có thật!

Theo Khắc Văn - Hồng Liên 
Sài Gòn Giải Phóng

MỚI - NÓNG