Mang những hình ảnh đẹp về Nhật Bản

Mang những hình ảnh đẹp về Nhật Bản
(TPO) Đó là khẳng định của các thày cô giáo thuộc 2 tỉnh Saitama và Chiba sau chuyến khảo sát phương pháp đào tạo tại các trường tiểu học, THCS, THPT ở một số tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam
Mang những hình ảnh đẹp về Nhật Bản ảnh 1

Thày Sigehisa Kogoishi (Áo vest) và các thày, cô giáo trong chuyến giao lưu tại trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Tây)

Bên lề cuộc giao lưu với các học sinh, thầy cô giáo trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Tây), ông Sigehisa Kogoishi - Trợ lý Hiệu trưởng trường tiểu học Shimoochiai và là Trưởng đoàn đã có cuộc trao đổi với TPO về những cảm nhận của ông và các thành viên trong đoàn sau chuyến đi.

Ông có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến đi tới Việt Nam lần này của đoàn?

Đoàn của chúng tôi có 14 thầy, cô giáo tới từ các trường tiểu học, THCS và THPT của 2 tỉnh thuộc Nhật Bản là Saitama và Chiba. Chuyến đi kéo dài 11 ngày lần này của chúng tôi tới các cơ sở giáo dục tại một số tỉnh thành phía Bắc được thực hiện theo lời mời của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trong đoàn của chúng tôi có các thầy, cô giáo giảng dạy tại các cấp học và chính vì vậy chúng tôi muốn tìm hiểu phương pháp và hình thức giảng dạy tại các cấp học ở Việt Nam. Những trường học mà chúng tôi đến ở Hà Nội, Bắc Giang, Yên Bái, Hà Tây đều là những trường được JICA và TW Đoàn tư vấn.

Qua chuyến đi thực tế tại các trường học, ông và các thành viên trong đoàn đã rút ra được điều gì?

Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó là các học sinh Việt Nam rất hồn nhiên, luôn hòa đồng, và đặc biệt, rất giàu tình cảm. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là tại một số trường tiểu học mà chúng tôi tới thăm có rất nhiều em học sinh nói chuyện được bằng tiếng Anh với chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy thật gần gũi, thân tình khi được tiếp xúc với các em. 

Tại Hà Nội, chúng tôi cũng đã có buổi dự giờ ở trường tiểu học Thịnh Quang. Các thầy, cô giáo đều rất tâm huyết, giàu tình cảm. Các bài giảng được các thầy cô truyền đạt một cách rất tận tình, chỉ có những người thực sự yêu nghề mời có được điều này.

Khi trở về chúng tôi sẽ đem những gì nhìn thấy được, nghe thấy được và cả những gì chúng tôi cảm nhận về hình ảnh của các em học sinh Việt Nam, về phương pháp giảng dạy tại các trường phổ thông để truyền đạt lại cho các em học sinh ở Nhật Bản. Chúng tôi tin rằng qua các câu chuyện của mình, các em học sinh sẽ có những tình cảm yêu mến Việt Nam giống như chúng tôi.

Theo ông, học sinh Nhật Bản và Việt Nam có điểm giống và khác nhau nào?

Trẻ em Nhật Bản hiện sống trong một môi trường quá đầy đủ, muốn cái gì được cái đấy. Suy nghĩa của học sinh Nhật Bản bây giờ không sâu sắc. Khả năng chịu đựng khi gặp tình huống khó khăn của trẻ em Nhật Bản rất kém trong khi cũng độ tuổi đấy thì các em học sinh Việt Nam có khả năng chịu đựng tốt hơn nhiều.

Một điều nữa mà tôi cũng phải thừa nhận đó là cách ứng xử với người già, thầy cô giáo của các em học sinh Việt Nam rất tuyệt vời. Đây cũng là điều mà chúng tôi muốn nói với các trẻ em Nhật Bản sau khi chúng tôi trở về nước.

Khi trở về Nhật Bản, ông cùng các đồng nghiệp có kế hoạch gì trong việc hợp tác giữa trường của các ông và các trường học ở Việt Nam?

Không chỉ mang hình ảnh đẹp của học sinh ở Việt Nam về giới thiệu với các học sinh ở Nhật Bản, chúng tôi cũng tính tới việc sẽ cấp học bổng hoặc mời một số em học sinh có thành tích xuất sắc tại những trường học mà chúng tôi đã tới lưu sang Nhật Bản để giao lưu với các bạn học sinh ở đất nước chúng tôi.

Qua chuyến đi các em sẽ tự cảm nhận về đất nước Nhật Bản bằng cảm giác của mình: Được nhìn, được sống trong các gia đình người bản xứ, được nấu và ăn các món ăn Nhật Bản... Chúng tôi muốn các em cũng mang các hình ảnh về các trường học, cuộc sống ở Nhật Bản về kể lại cho các bạn.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG