Mẹ Đỗ Nhật Nam nói về “kỷ luật” dạy con

Chị Phan Hồ Điệp (áo trắng) chia sẻ tại buổi tọa đàm
Chị Phan Hồ Điệp (áo trắng) chia sẻ tại buổi tọa đàm
TPO - “Tôi thường thấy, các phụ huynh thường cầu cứu chuyên gia và các nhà sư phạm với mong muốn con tốt hơn nhưng khi hỏi những chi tiết rất nhỏ nhặt của con thì bố mẹ thường rất lúng túng. Tôi nghĩ là không có chuyên gia gì tốt nhất bằng chính các bậc cha mẹ”.

Đó là chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam tại buổi tọa đàm ra mắt hai cuốn sách Kỷ luật tích cực và Kỷ luật tích cực trong lớp học do trường PTLC Quốc tế Gateway và Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp cùng Nhà Xuất bản Phụ nữ tổ chức vừa qua.

Theo chị Phan Hồ Điệp, ai cũng biết Kỷ luật hay trừng phạt con là những điều không nên. Tuy nhiên mọi người thường có sự nhầm lẫn giữa tự do và kỷ luật. Chính vì vậy, kỷ luật tích cực tức là những quy tắc theo hướng tích cực chứ không theo nghĩa là trừng phạt con.

Chị Điệp cho biết, trong quá trình dạy Nam, chị cố gắng kiên trì, dành thời gian tối đa để hiểu và tâm tình cùng con.

Tôi thường thấy là các phụ huynh thường cầu cứu chuyên gia và các nhà sư phạm với mong muốn cho con tốt hơn nhưng khi hỏi những chi tiết rất là nhỏ nhặt của con thì bố mẹ thường rất lúng túng. Tôi nghĩ là không có chuyên gia gì tốt nhất bằng chính các bậc cha mẹ” – chị Hồ Điệp nói. Chính vì vậy, theo chị, các bậc cha mẹ nên cố gắng lắng nghe và quan sát bằng cả tấm lòng.

Cần hiểu con theo cách mà con muốn chứ không phải là hiểu con theo cách mà cha mẹ muốn.
Chia sẻ thêm về quá trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp cho biết mình xây dựng nguyên tắc dành riêng cho gia đình và kiên nhẫn cho Nam theo thời gian biểu từ khi con gần 2 tuổi.

Chị cũng cho hay, mình theo phương pháp Montessori cho Nam từ nhỏ. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng là tôn trọng sự tự lập của trẻ và đặc biệt là khoảng thời gian nào trẻ làm việc thì không được can thiệp.

Vì can thiệp sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ và tính tương tác.
“Những đứa trẻ nào càng tự lập tốt thì cha mẹ càng giảm dần đi tính kỷ luật. Như thế, trong quá trình trải nghiệm, đứa trẻ sẽ biết rút kinh nghiệm sau những sai lầm của nó. Thiết lập cho Nam khả năng tự lập còn rất nhỏ là điều tôi đã làm. Tôi cần hiểu ở những dấu mốc nào thì trẻ nên làm gì để hiểu được tâm lý của con” chị Điệp chia sẻ thêm.

Cha mẹ cũng hãy là chính mình

Tuy nhiên, chị cũng khẳng định nuôi dạy con cũng phải là quá trình cha mẹ được sống là chính mình. Cha mẹ không nên thay đổi, cố tỏ ra là mình mạnh mẽ, hay cố tỏ ra mình là người nhẹ nhàng hơn.

“Khi bạn được sống là mình, bạn sẽ tìm ra những cách rất “mẹ” để giáo dục con. Nếu bạn muốn con bạn hạnh phúc thì bạn phải là một người hạnh phúc trước. Nếu bạn muốn con bạn tự lập thì bạn phải là người tự chủ trước. Bạn đừng cố gắng lấy một cái cây nào đó bằng một thứ hạt mà bạn không gieo trồng. Điều đó gần như là không thể. Bạn hãy tự do sống với con người mình, nếu bạn cáu giận, lúc buồn khổ bạn có thể tìm một chỗ để vơi đi nỗi bực tực của mình. Bạn không nên quá căng thẳng vì điều đó và mình tin là sự chân thành của bạn sẽ cảm hóa được đứa con của mình” – chị Điệp nêu quan điểm.

Bên cạnh giáo dục con về mặt trí năng theo chị Điệp cha mẹ cũng cần giáo dục con về mặt cảm xúc. Trong quá trình nuôi con, điều chị Điệp cảm thấy khó nhất chính là việc kiềm chế cảm xúc của bản thân trong quá trình áp dụng.

Thứ hai, nhiều cha mẹ hiện nay hay nhầm lẫn giữa khen thưởng và khích lệ. Chúng ta nên khích lệ trẻ từ những điều nhỏ nhất hoặc có thể mượn lời người khác để khích lệ trẻ, giúp con cảm thấy tự tin hơn.

Khó khăn thứ ba mà cha mẹ có thể gặp phải là cha mẹ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi phương pháp kỷ luật tích cực, mong muốn nhìn thấy hiệu quả ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này là không thể và cha mẹ cần vượt qua điều đó, phải chờ đợi và kiên nhẫn trong quá trình giáo dục con.

Cha mẹ hiện nay thường lo lắng vì không có thời gian dành cho con do tính chất công việc, sinh hoạt bận rộn. Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng xây dựng một khoảng thời gian đặc biệt cho trẻ, không cần dài và có thể chỉ 20- 30 phút một ngày để tạo cho trẻ sự hứng thú. Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia khác cũng đưa ra những nhận định của mình về kỷ luật tích cực trong việc giáo dục trẻ em.

MỚI - NÓNG