“Mẹ Hằng” và những đứa con cá biệt

“Mẹ Hằng” và những đứa con cá biệt
TP - B.Q.H có bố nghiện ma túy, bạn thân bị giam ở Hỏa Lò vì tội cướp giật – nói: “Nếu không có mẹ Hằng thì đời tôi không biết về đâu”. “Mẹ Hằng” là cô giáo Trần Thu Hằng ở trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Tìm đến căn nhà nhỏ ở phố Vọng Hà, tôi gặp chị M (khoảng 40 tuổi), người gầy gò, da xanh xao. Chị nói về cậu con trai B.Q.H độc nhất và cô Trần Thu Hằng - cô giáo cũ của con mình , chủ nhiệm lớp 12C1 (năm học 2004 – 2005)  trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong sự xúc động.

Trò chuyện một lúc thì H về. Cậu thanh niên 19 tuổi có đôi mắt giống hệt mẹ, nụ cười hiền khô. Ai ngờ, cậu  từng là một trong những học sinh cá biệt của trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng.

Năm học 2003 – 2004, từ một trường công lập, H chuyển đến học lớp 11 trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng. Chủ nhiệm lớp H là cô giáo Trần Thu Hằng.

Cô Hằng nói: “Có một nguyên tắc bất thành văn mà các giáo viên chủ nhiệm trong trường đều ngầm thống nhất với nhau: Không quan tâm lý do vì sao học sinh phải chuyển trường. H cũng vậy, tôi chỉ yêu cầu em nắm rõ và thực hiện các nội quy, quy định của lớp, của trường như tất cả những bạn khác trong lớp. Điều đó hàm nghĩa rằng, tôi nhìn nhận về em bắt đầu từ hôm nay”.

Về trường mới, H không có biểu hiện gì khác thường nhưng hay đến lớp muộn. Có lúc H mất hút (cả ở nhà lẫn ở trường) nhiều ngày liền. Có tin cho rằng H “cặp” cùng một cô gái chơi bời.

Cô giáo Hằng báo cho mẹ H biết. Nhắc lại chuyện này, mẹ H nói: “Chị em thân nhau thôi. Chị ấy ở nơi khác đến, nhờ H tìm nhà trọ”. Bỏ nhà đi nhiều ngày khi H trở về nhà, mẹ H chỉ còn 34 kg vì lo và thương con.

Cô giáo Hằng nhớ lại: “Tôi cũng ngạc nhiên vì có lúc mình nói nặng lời thế mà cậu ta không phản ứng gì? Tôi nói: “Em là người bất hiếu”. Có lần tôi lại nói: “Mẹ em gầy là vì em đã “ăn thịt” mẹ”. Tôi nói nặng như vậy mà cậu ta vẫn ngồi im”.

“Mẹ Hằng” và những đứa con cá biệt ảnh 1
Cô giáo Hằng và học sinh của mình tại hội trại

Làm tất cả để cứu con

Động lực khiến cô giáo Hằng cố gắng cảm hóa H thành học trò ngoan chính là mẹ H. Một người mẹ muốn dõi theo con từng bước chân nhưng bất lực.

Mỗi lần H khoác ba lô ra khỏi nhà rồi mất hút, mẹ H như ngồi trên lửa. Bố mẹ H li dị nhau từ khi H còn nhỏ, nhưng nhà bố ở gần đấy nên H rất hay sang chơi. Khổ nỗi, bố H là con nghiện. Mẹ H không muốn bố gây ảnh hưởng xấu tới H  nên ngăn cản họ gặp nhau.

Cô giáo Hằng là cầu nối giữa hai mẹ con. Mẹ H không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập mỗi tháng chỉ được 600 – 700 nghìn đồng. Vậy mà, mỗi ngày phải cho H tiền tiêu vặt 50.000 đ. Trong đó 34.000 đ tiền đi xe ôm, 16.000 đ quà vặt.

Hôm nào H quên tiền là chị vội bắt xe ôm mang đến trường cho con... Hễ nghe tin con bỏ học, con mắc khuyết điểm... là mẹ H lại đi xe ôm đến trường gặp cô chủ nhiệm để xin lỗi và nhờ tìm cách giúp đỡ.

Nghe cô giáo phân tích về tấm lòng tận tụy với con của mẹ, H dần tỉnh ngộ. Rồi H lao vào ôn thi tốt nghiệp THPT. Được 36 điểm/ 6 môn, 2 mẹ con mừng quá. Khi biết kết quả, cô giáo Hằng cũng gọi ngay cho mẹ con H.

Hiện nay, H đang học năm thứ nhất hệ trung cấp trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp I. Từ khi nhập học tới giờ, H chưa bỏ học buổi nào.

Người mẹ thứ hai

Từ khi rời khỏi mái trường Đinh Tiên Hoàng đến nay, hễ đến lễ tết là H lại cùng các bạn trở về trường thăm “mẹ Hằng”. H nói: “Không chỉ em mà cả lớp gần 50 học sinh đều được cô giáo Hằng yêu thương như vậy đấy. Cả lớp em ai cũng đều xem cô như mẹ”.

Cô giáo Trần Thu Hằng tự nhận, mình là giáo viên chủ nhiệm bình thường của trường Đinh Tiên Hoàng. Cô giáo Hằng nói: “Vấn đề là chủ trương của lãnh đạo nhà trường trong công tác giáo dục đức dục cho học sinh. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm ở trường tôi ai cũng đều tỉ mẩn, đều hết lòng vì học sinh dù phương pháp thì mỗi người một khác. Có người thậm chí còn bỏ tiền túi ra cưu mang học sinh”.

MỚI - NÓNG