“Mê hồn trận” giáo trình ngoại ngữ

“Mê hồn trận” giáo trình ngoại ngữ
Cũng đa dạng như các trung tâm ngoại ngữ, giáo trình đang được các cơ sở giảng dạy thực sự là một “mê hồn trận” không có lối ra cho những ai có ý định kiếm một tài liệu đáng tin cậy...

Kèm theo mức học phí phải chi, mỗi học viên kiểu gì cũng phải trang bị thêm một chồng “hầm bà lằng” sách giáo trình và băng luyện nghe.

N.Tùng, một học viên tại trung tâm L.D kể: “2 cuốn sách phô tô, kèm theo 2 cái băng (loại băng mà không biết cho vào cát-xét có còn đọc nổi không?), trị giá 78 ngàn đồng.

Cho dù bạn học trình độ nghe nói, hay trình độ nghe nói đọc viết,thì kiểu gì cũng vẫn phải chi một khoản từ 70-100 ngàn cho giáo trình. Đương nhiên, một khoá học 2 tháng, chắc chắn bạn không bao giờ nghe hết băng vì trên lớp, cô giáo thỉnh thoảng lắm mới bật băng một lần! Có khi mua về, rồi quẳng đấy!”

Nói chung, mỗi nơi áp dụng một loại giáo trình khác nhau mà không tuân theo quy định cụ thể nào. Có trường còn tự soạn cho mình một hệ thống giáo trình riêng và xem đó là một thứ “hàng độc” đáng tự hào. Đến một trường ngoại ngữ Quốc tế có hệ thống chi nhánh rộng khắp và khá nổi tiếng, chúng tôi được giới thiệu giáo trình New Interchange như một loại giáo trình đúng đắn nhất cho những ai có nhu cầu học tiếng Anh. Đến một trung tâm khác, chúng tôi lại được giới thiệu giáo trình International Express như một tài liệu chuẩn để học tiếng Anh…

Ai - người chấm điểm giáo trình?

Quả thật, giữa “rừng” tài liệu mà cái nào cũng “chuẩn nhất” đó, người ta khó có thể quyết định nên chọn loại nào cho phù hợp. Và thật đáng lo khi hầu như những giáo trình ấy cũng như nội dung giảng dạy tại các TTNN hầu như không được thẩm định.

Khi không thẩm định được chất lượng giáo trình, những tai nạn về chất lượng dạy tại các trung tâm kiểu như SITC là không tránh khỏi.

Ông Lại Hữu Miễn-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD – ĐT cho biết: “Trong 6 tỉnh thành có chi nhánh của SITC hoạt động thì chỉ có duy nhất Sở GD-ĐT TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ thẩm định chương trình của SITC, các SơGD-ĐT khác bỏ qua”.

Cách lựa chọn của SV

Với phần đông SV, việc theo hoc tại các TTNN có giáo viên người nước ngoài là một điều khá xa vời. Một phần là ngoài học phí, tổng tiền chi cho giáo trình – thứ phải thay liên tục sau các khoá học chỉ kéo dài 2-3 tháng tính ra cũng ngang với tiền một khóa học mới. Thay vào đó, các TTNN của các trường ĐH thường là sự lựa chọn của họ.

Bạn Trần Quang Nhật (Lớp 04 CK2 ĐH KHTN) tâm sự : “ Theo mình, không nhất thiết phải học ở TTNN quốc tế thì mới giỏi; quan trọng là thái độ học tập  của bạn như thế nào và bạn có ứng dụng vốn kiến thức đó vào thực tế được hay không. Mình luôn xem trọng lượng kiến thức thực sự mà mình thu vào sau khi hoàn tất khoá học hơn là cấp bằng. Học ở TTNN của trường vừa thuận tiện về mặt đi lại, sắp xếp được thời gian, mức học phí không qúa cao và chất lượng cũng tốt đấy thôi.”

Hy vọng rằng, đây sẽ là một gợi ý tốt cho SV chúng mình lựa chọn.

Theo SVVN

MỚI - NÓNG