Méo mặt vì các kiểu tăng học phí dán mác 'phụ huynh'

Méo mặt vì các kiểu tăng học phí dán mác 'phụ huynh'
Sự chênh lệch về học phí giữa các trường khối công lập và dân lập đang ngày một cao, phụ huynh vẫn phải oằn người gánh mà không biết phải kêu ai. Nguyên nhân là bởi tất cả đều được dán mác: Thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

>> Hồ nghi nhưng chả dám kêu...
>> Các khoản phí đầu năm học: Nhiều trường 'lách luật'

Méo mặt vì các kiểu tăng học phí dán mác 'phụ huynh' ảnh 1

Nhiều phụ huynh nặng trĩu nỗi lo đóng góp đầu năm học. Ảnh minh họa: Hải Yến

Học phí tăng

Vài năm trở lại đây, hệ thống trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT phát triển khá mạnh, được đầu tư cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Chính điều này đã tạo được uy tín và chiếm được lòng tin của nhiều bậc phụ huynh, dù chi phí cho một năm học ở những trường này thường cao hơn từ 3 - 4 lần trở lên so với trường công lập.

Tại TPHCM, trường Nguyễn Khuyến có 5 cơ sở với gần 10.000 học sinh từ THCS đến THPT. Khối THCS của trường hàng tháng tiền học phí là 1,9 triệu đồng, khối THPT là 2,3 triệu đồng. Ngoài ra, các em còn phải đóng thêm các khoản như: Học thêm (120.000đ), tiền trang phục thể thao (60.000đ), ăn sáng (200.000đ), giấy thi (200.000đ), bảo hiểm (120.000đ)...

Vô lý nhất trong các khoản thu thêm này là tiền học thêm. Học sinh (khối THCS) của trường Nguyễn Khuyến có thể nói là học từ sáng đến tối thì không biết nhà trường bố trí giờ nào cho các em học thêm, và thật sự có cần thiết không, hay đây cũng chỉ là một kiểu "tận thu"  hợp pháp?

Còn tại Hà Nội, ngay trong khối dân lập cũng có sự phân chia "đẳng cấp" giữa các trường mang danh nghĩa quốc tế, chất lượng cao với các trường bình dân.

Nếu như Trường Tiểu học Lômônôxốp học phí 320.000đ, bán trú 230.000đ, xe đưa đón 250.000đ/tháng, THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm thu học phí 500.000đ/tháng... thì Trường Tiểu học Brendon có mức học phí 3.860USD/năm, học phí của Trường dân lập Việt - Úc là 4.000 - 5.000USD/năm, THCS Dreamhouse là 289USD/tháng, chưa tính các khoản khác như tiền ăn 90USD/tháng, xe đưa đón 75USD/tháng...

Với lý do giá cả thị trường biến động, năm học 2008 - 2009 này, gần như tất cả các trường phổ thông khối dân lập đều tăng học phí. Trường tăng ít thì một vài trăm nghìn, có trường tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba năm học trước.

Trường THPT dân lập Marie Curie tăng từ 700.000 - 800.000đ năm học trước lên 1,2 - 1,3 triệu trong năm học này. Cá biệt, Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu tăng rất cao, từ vài trăm nghìn năm học trước lên 120USD/tháng, chưa tính đến tiền ăn 550.000đ/tháng và tiền xe đưa đón.

Nhìn chung, khi đưa thông tin tăng học phí vào đầu năm học mới, các trường đều kèm dưới mác "có sự chấp thuận của phụ huynh học sinh", nhưng trong thực tế, nhiều trường đã đưa ra mức giá áp đặt, buộc phụ huynh phải chấp nhận nếu còn muốn cho con theo học tại trường.

Chất lượng không tăng

Nhiều bậc cha mẹ có con đang theo học tại Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu ở Hà Nội rất bức xúc trước việc học phí tăng rất nhiều, mà chất lượng lại không được đảm bảo.

Chị Minh Hà - một phụ huynh cho biết: "Trước khi cho con nhập học, tôi được nhà trường cam kết là mỗi lớp sẽ có 2 cô, một cô chủ nhiệm và một cô phó chủ nhiệm để phụ giúp trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Nhưng thực tế, khi vào năm học, mỗi lớp chỉ có một cô, khi chúng tôi phản ánh tới Hội đồng quản trị nhà trường thì chỉ nhận được thông báo: Nhà trường rút bớt một cô bởi thấy "không cần thiết". Rõ ràng, đây là sự không trung thực của nhà trường đối với phụ huynh".

Xe đưa đón học sinh theo tuyến của trường luôn là những xe cũ, không có điều hoà, mặc dù năm học nào phụ huynh cũng phản ánh, đề nghị thay xe mới nhưng đều không có kết quả.

Nhiều phụ huynh cho biết, bữa ăn phụ của các cháu nhỏ (lớp 1) của trường chỉ là bim bim và trà Lipton, trong khi tiền ăn hàng tháng của mỗi cháu là 550.000đ/tháng.

Tương tự như vậy, chất lượng bữa ăn của học sinh Trường THCS dân lập Lômônôxốp cũng không đảm bảo dinh dưỡng, trong khi tiền ăn một ngày của các cháu là 20.000đ.

Lợi thế của các trường dân lập là không bị khống chế mức thu như các trường công lập, chỉ cần có sự thoả thuận với cha mẹ học sinh. Nắm được tâm lý của phần lớn phụ huynh học sinh khi đã cho con vào học, con thích trường, thích lớp là không muốn chuyển trường nên mặc dù bức xúc, nhưng trong điều kiện cho phép, họ vẫn chấp nhận mức thu mới của nhà trường đưa ra, chính vì thế, các trường đã không ngần ngại khi thông báo tăng học phí.

Nhiều phụ huynh đã kiến nghị các cơ quan quản lý giáo dục phải vào cuộc, phải đưa ra những quy định về giá trần của học phí ngoài công lập, chứ nếu cứ thả lỏng như hiện nay, chưa thể nói trước được mức thu của các trường dân lập sẽ còn tăng đến độ nào.

Theo Tùng Linh - Nguyên Minh
Lao Động

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.