Miễn học phí sinh viên sư phạm: Cào bằng, hình thức, lãng phí lớn?

TS Lê Viết Khuyến- Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
TS Lê Viết Khuyến- Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
TPO - TS Lê Viết Khuyến- Nguyên Vụ phó Vụ  Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm chỉ nên áp dụng ở một thời kỳ còn việc làm cào bằng như gần 20 qua là một sự lãng phí lớn và mang tính chất hình thức.

Ngày 13/12, tại hội thảo khoa học Tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cùng nhiều lãnh đạo các trường thẳng thắn "nên bỏ ngay" chính sách miễn học phí với sinh viên sư phạm. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này.

Miễn học phí không phải là chiếc bánh vẽ?

PV: Nhiều hiệu trưởng đề xuất nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì đã “lỗi thời”. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

TS Lê Viết Khuyến: Thực ra, tôi thấy việc cho sinh viên các trường sư phạm được miễn học phí chỉ nên áp dụng từng thời kì. Ở thời điểm khi yêu cầu về nhân lực ngành sư phạm, nhu cầu giáo viên rất lớn, nhưng lương của giáo viên thì lại thấp, sinh viên không muốn vào ngành sư phạm thì lúc đó phải đưa chính sách này là đúng. Nhưng về sau này, sinh viên ngành sư phạm ra trường có việc làm đâu. 

Tôi nghĩ, chính sách nên thu hẹp lại, đào tạo giáo viên theo dạng đào tạo có địa chỉ rõ ràng. Ví dụ ở vùng sâu, miền núi có thiếu giáo viên thì cấp cho các em “chỉ tiêu” và em nào cam kết ra trường về dạy học ở những chỗ như thế thì có thể có chính sách cho vay tiền đi học. Sau khi học xong, về nhận công việc đúng như cam kết sẽ xóa nợ đi. Tôi nghĩ, cách này là hợp lý hơn. Còn việc làm cào bằng như vừa rồi là một sự lãng phí lớn mà chỉ mang tính chất hình thức.

PV: Năm ngoái, ngành sư phạm “rớt giá” thê thảm với điểm đầu vào nhiều trường không cao.  Nếu không có chính sách miễn học phí nữa thì liệu có ai còn muốn vào sư phạm nữa không, thưa ông?

Thực ra, ngành sư phạm “rớt giá” hay không “rớt giá” không phải ở chỗ có được miễn học phí hay không. Từ xưa đến nay thực tế chứng minh, khi nhu cầu giáo viên lớn thì giá của sinh viên sư phạm tăng lên. Còn vừa rồi sinh viên không vào sư phạm là vì vào sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều. Rõ ràng, không phải đưa ra bánh vẽ là có học bổng là có sinh viên vào ngành sư phạm mà cái chính ở chỗ, học xong ra trường có việc làm hay không. 

PV: Vậy theo ông, việc “dẹp” miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm có nên thực hiện ngay hay cần lộ trình?

Tôi nghĩ tình trạng này đã tồn tại lâu lắm rồi nên bỏ ngay. Tôi nghĩ cái này hiệu quả hay không người ta có ý kiến lâu lắm rồi. Nhưng nếu bỏ ngay thì việc phải làm đồng thời là có chính sách cho vay đi học có kèm theo cam kết của nhà nước về dạy đúng “địa chỉ” sẽ được miễn tiền nợ. 

Nên để giáo viên trong nhóm nghề có bảng lương cao nhất

PV: Vậy theo ông, việc bỏ chính sách trên cần các điều kiện như đổi mới cơ chế về tuyển dụng, chính sách lương bổng như thế nào mới hy vọng thu hút được người giỏi học sư phạm?

Thế ngành khác không cần tuyển người giỏi à? Ngành nào cũng cần người giỏi hết. Quan điểm của tôi giáo viên ở các vùng sâu vùng xa thực tế khó khăn thật nhưng giáo viên ở miền xuôi và thành phố thì không phải là khó khăn lắm. Mặt bằng để so sánh lương với giáo viên so với lương các ngành bên hành chính sự nghiệp thì thu nhập vẫn cao hơn một số ngành.

Lương giáo viên muốn cao hơn là một mong muốn thực tế, tuy nhiên phải thông cảm với túi tiền của nhà nước, làm sao cứ đòi.

PV: Mới đây, có đề xuất là xếp lương giáo viên vào thang bảng lương ở bậc cao nhất? Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

Tôi nói thật, nên nói giáo viên ở trong nhóm nghề có bảng lương cao nhất, thế sẽ khiêm tốn hơn. Còn bao nhiêu ngành khác như ngành lâm nghiệp, địa chất cũng vất vả chứ. Phải chấp nhận có một số ngành như công an và bộ đội là ngành nghề đặc biệt còn có nhóm lương cao nhất thì giáo viên chỉ ở trong nhóm này thôi.

PV: Vậy theo ông, có cách nào để “hút” hút sinh viên sư phạm trong thời gian tới?

Thứ nhất, có chính sách tuyển dụng giáo viên. Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm phải có quyền rõ ràng, để làm sao người ta ra trường không phải tự đi tìm việc. Nhà nước, Bộ GD&ĐT phải thống nhất một đầu mối quản lý đội ngũ giáo viên và phải đào tạo theo một cơ chế phù hợp.

Lâu nay, cho chỉ tiêu giáo viên rất phập phù, tùy tiện cho nên ngành thừa, ngành thiếu, vùng thừa, vùng thiếu. Nếu mà bên quân đội, công an làm như thế thì chết. Ngành giáo dục có nắm được đội ngũ giáo viên như trong quân đội thì ngành giáo dục cũng phải có kế hoạch đào tạo thật chặt chẽ chứ không phải là đào tạo như hiện nay. 

Chỉ tiêu hiện nay cho các trường đại học theo kiểu “bốc thuốc” , nếu cho theo kiểu bốc thuốc thì sinh viên tốt nghiệp ra là không kiếm được việc làm mà trong ngành giáo dục nếu không kiếm được việc làm thì rất khó kiếm được việc làm ngoài ngành giáo dục.

Ngoài ra, hệ thống các trường sư phạm phải quy hoạch lại nhưng cách quy hoạch không đồng ý với kiểu quy hoạch như hiện nay. Theo tôi, các trường ĐH Sư phạm thế mạnh của họ là đào tạo giáo viên THPT, còn đào tạo giáo viên tiểu học, mầm non, THCS là không phải thế mạnh các trường ĐH Sư phạm mà phải là của các trường cao đẳng sư phạm làm.

Vấn đề ở đây, làm thế nào nâng cấp các khoa ở trường cao đẳng sư phạm lên nếu như muốn nâng cao trình độ mặt bằng giáo viên. Các trường đó vẫn làm nhiệm vụ giáo viên mầm non, tiểu học chứ không phải chuyển chức năng đào tạo giáo viên mầm non, tiểu họ vốn việc của họ chuyển sang cho các trường ĐH Sư phạm. Như vậy, vẫn sẽ duy trì được hệ thống này.

Hệ thống các trường ĐH Sư phạm là đào tạo giáo viên THPT, bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng quy mô đào tạo sau đại học chứ không lấy chức năng đào tạo giáo viên ở bậc thấp ở mầm non, tiểu học, THCS, … của các trường cao đẳng sư phạm để ấn sang ĐH Sư phạm. Nếu cứ quy hoạch như hiện nay sẽ gây rối loạn, xáo trộn hết.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG