Miễn học phí THCS: Đề xuất trường ngoài công lập cũng được hưởng

Bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp ý cho dự thảo. Ảnh: Nghiêm Huê.
Bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp ý cho dự thảo. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Về đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị: “Bộ cần xem xét để cho học sinh học ở trường công lập hay ngoài công lập cùng được hưởng một mức miễn học phí đồng đều. Những trường chất lượng cao sẽ được phép thu thêm tiền”.

Hôm qua, 5/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học (ĐH) khu vực Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra.

Tại buổi hội thảo, vấn đề nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cán bộ quản lý giáo dục trong khi đó vấn đề miễn học phí, lương giáo viên vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét thêm.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung lần này là nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên cao đẳng. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại địa phương này có 96% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên. Số giáo viên còn lại chưa đạt chuẩn thường đã ở độ tuổi trên dưới 50, chuẩn bị nghỉ hưu hoặc giáo viên vùng khó khăn. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục là cần thiết và không khó thực hiện. Tuy nhiên, đại diện sở này đề nghị nên có lộ trình để giáo viên ở vùng sâu, vùng xa theo kịp.

Ông Phan Xuân Quyết, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cũng cho rằng, hiện nay tỉ lệ giáo viên có trình độ cao đẳng, ĐH rất cao. Vì thế, việc nâng chuẩn trình độ được đưa vào Luật là không khó thực hiện. Thậm chí, theo ông Quyết: “Cần nâng cả chuẩn trình độ giáo viên mầm non vì việc nuôi dạy trẻ rất quan trọng. Ở một số nước, giáo viên mầm non yêu cầu phải có trình độ thạc sĩ”, ông nói.

Nhiều đại biểu cho rằng, không ít trường tiểu học đã có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có đến 60-70% giáo viên có bằng ĐH. Hay như Thanh Hóa, địa phương có đặc thù nhiều trường ở miền núi nhưng hiện cũng có tỉ lệ giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên là 79,3%. 

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện cả nước đã có 87,99% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên. Vì vậy, đội ngũ giáo viên có trình độ trung cấp chỉ còn 12,1%. Chỉ có ba tỉnh đặc biệt khó khăn có tỉ lệ giáo viên có bằng trung cấp còn cao như Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang…Tuy nhiên, để áp dụng chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học thì phải nâng chuẩn đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với những điều kiện này, ông Hữu cho rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là hoàn toàn hợp lý và tạo vị thế mới cho đội ngũ.

Riêng vấn đề đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, từ thời bao cấp, học sinh tiểu học đã được miễn học phí. Cái khó hiện nay là học sinh ở trường ngoài công lập chưa được hưởng chính sách miễn học phí. Tuy có giải thích, do nguyện vọng phụ huynh lựa chọn trường ngoài công lập nên không được thụ hưởng. Tuy nhiên, khi học sinh trường ngoài công lập không được hưởng chính sách miễn học phí, các trường đó sẽ thu ở mức cao, tạo sức ép lớn cho các trường công về sĩ số. Trong khi hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập.

Ông Đại kiến nghị: “Bộ cần xem xét để kiến nghị cho học sinh học ở trường công lập hay ngoài công lập cùng được hưởng một mức miễn học phí đồng đều. Những trường chất lượng cao sẽ được phép thu thêm tiền”, ông nói.

Nên có sinh viên trong hội đồng trường

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, vấn đề hội đồng trường một lần nữa được các trường ĐH rất quan tâm. Trong đó, đại diện các trường đều cho rằng nên giảm tỷ lệ số thành viên ngoài trường so với dự thảo Luật đưa ra. Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng so với quy định hiện hành, trong Dự thảo Luật có đưa tỷ lệ thành viên ngoài trường trong hội đồng trường tăng lên 30%. Tuy nhiên, theo ông Đông, nên quy định tỷ lệ này tối thiểu là 20% để các trường dễ thực hiện. Đồng tình với quan điểm này rất nhiều trường cho rằng nên dừng lại ở con số 20% hoặc thậm chí thấp hơn. Lý do được các trường đưa ra là do người ngoài trường có thể giỏi chuyên môn nhưng lại không có kinh nghiệm trong tổ chức, vận hành một cơ sở giáo dục ĐH. Lý do nữa là việc mời doanh nghiệp vào hội đồng trường rất khó khăn.

Một nội dung nữa liên quan đến Hội đồng trường đang được dư luận quan tâm đó là sinh viên được tham gia vào tổ chức này. Theo bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết sinh viên tham gia vào hội đồng trường  là điểm mới, tích cực của dự thảo Luật. Qua thực tiễn của trường  khi tham gia kiểm định của Pháp, họ có ý kiến là không có sự tham gia của sinh viên vào hội đồng trường. “Có sinh viên trong hội đồng trường là cần thiết trong quan điểm của quốc tế. Sinh viên là đại diện liên quan nên phải có tiếng nói. Nếu không đưa sinh viên vào thì nguy cơ không qua được kiểm định quốc tế. Tôi tin rằng đây là cơ hội cho sinh viên được thể hiện năng lực của mình” – bà Thắng cho hay. Bà Thắng cũng đề xuất là nên có thêm bộ phần kiểm toán trong hội đồng trường. Thái Lan đã làm rất tốt điều này.

Ngoài vấn đề Hội đồng trường, vấn đề bỏ bộ chủ quản cũng chưa được đề cập đến trong Dự thảo Luật. Trong khi đó, chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

“Có sinh viên trong hội đồng trường là cần thiết trong quan điểm của quốc tế. Sinh viên là đại diện liên quan nên phải có tiếng nói. Nếu không đưa sinh viên vào thì nguy cơ không qua được kiểm định quốc tế. Tôi tin rằng đây là cơ hội cho sinh viên được thể hiện năng lực của mình”.

Bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Bách khoa Hà Nội

MỚI - NÓNG