Miễn toàn bộ cước phí dạy, học từ xa

TPO - Các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT.

Sáng nay 26/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trước tình hình nghỉ học kéo dài, nhằm ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT&TT chính thức cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19.

Cụ thể: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT; các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên (HSSV) và thầy cô giáo cùng mọi người dân liên quan trên cả nước về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT;

Miễn toàn bộ cước phí dạy, học từ xa ảnh 1 Lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT

Các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho HSSV và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT;

Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học;

Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G.

Giá trị của gói hỗ trợ này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&DT sẽ là liên tục và mãi mãi.

Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học

Chia sẻ những nỗ lực của ngành Giáo dục triển khai thực hiện ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã thực hiện rà soát để ban hành các văn bản cần thiết; trong đó kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, ban hành năm 2017.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT hoàn thành xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục. Lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên được công bố. Đây là kho dữ liệu hữu ích phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và thực thi các chính sách quản lý ngành có hiệu quả.

Toàn ngành Giáo dục cũng xây dựng được hệ thống kho học liệu điện tử với 5.000 bài giảng e-learning có chất lượng, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa; trên 900 đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ; trên 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30.000 câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối để chia sẻ dữ liệu dùng chung trong toàn ngành.

Cũng từ nền tảng CNTT, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính tại Bộ GD&ĐT được cải thiện đáng kể. Chỉ số về hiện đại hóa hành chính năm 2018 của Bộ đứng thứ 2 trên tổng số 18 bộ, cơ quan ngang Bộ; 100% các văn bản đi/đến được luân chuyển qua hệ thống e-office của các đơn vị thuộc Bộ, 63 sở GD&ĐT và hơn 300 trường ĐH, CĐ trên cả nước...

Bộ trưởng chia sẻ, trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19, như nhiều ngành khác, Giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khắc phục khó khăn này, giai đoạn đầu, ngành Giáo dục đã có giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học.

Nhưng hiện nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chỉ lùi thời gian mà ngành Giáo dục tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình của học kỳ II các cấp học, với phương châm tinh giản nội dung nhưng vẫn phải giữ được chất lượng, không buông lỏng chất lượng.

Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ sớm được công bố, bám sát nội dung kiến thức được tinh giản. Cùng với đó, tăng cường dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình với phổ thông; mở rộng và củng cố, kiểm soát chất lượng dạy học trực tuyến với giáo dục đại học.

“Trong hôm nay, hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình trong cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học vì Covid-19 sẽ được ban hành” – Bộ trưởng thông tin.

Đến nay, bên cạnh các chính sách, cố gắng nỗ lực của địa phương, vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ, đã có được một nền tảng cơ bản cho triển khai dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình. 

MỚI - NÓNG