Mô hình Lạc Hồng: Sáng tạo và thích ứng

Mô hình Lạc Hồng: Sáng tạo và thích ứng
TP - Trong quá trình phát triển suốt 15 năm qua (1997-2012), Đại học Lạc Hồng đã kiên định một hướng đi. Đó là giúp cho các sinh viên phát huy hết tiềm năng của mình và tạo ra những con người có ích cho xã hội.

> Trường ĐH không phải đóng thuế nếu tái đầu tư

Đội tuyển Robocon ĐH Lạc Hồng đoạt giải Nhì tại cuộc thi Robocon châu Á- Thái Bình Dương 2012 tổ chức tại Hồng Kông
Đội tuyển Robocon ĐH Lạc Hồng đoạt giải Nhì tại cuộc thi Robocon châu Á- Thái Bình Dương 2012 tổ chức tại Hồng Kông.

Ở các nước tiên tiến, quan điểm về giáo dục là không có người học yếu, chỉ có những người chưa phát huy hết khả năng vì giáo dục chưa đốt cháy được ngọn lửa đam mê học tập và sáng tạo.

Nhà giáo dục lỗi lạc nước Mỹ William A.Wars từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình với thế hệ trẻ, trong suốt 15 năm qua, tập thể sư phạm Đại học Lạc Hồng luôn trăn trở vấn đề làm thế nào truyền được ngọn lửa đam mê trong học tập, sáng tạo cho sinh viên của mình.

Cũng như các trường ĐH khác, chương trình đào tạo của Lạc Hồng dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó còn có sự tham gia xây dựng của các giảng viên, cán bộ quản lý, nhà giáo dục và doanh nghiệp.

Nhờ chương trình bám sát thực tế, sinh viên tốt nghiệp an tâm rằng mình sẽ có chỗ đứng trong xã hội còn doanh nghiệp cũng yên tâm về nguồn nhân lực mà trường cung cấp.

Trường còn thường xuyên điều chỉnh bổ sung chương trình trên cơ sở tham khảo ý kiến phản hồi từ cựu sinh viên, từ người sử dụng lao động và chương trình đào tạo của các trường nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cũng với mục đích gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, Trường đã xây dựng một chương trình mềm dẻo, linh hoạt, tỷ lệ lý thuyết – thực hành là 6:4, tiến tới điều chỉnh theo tỷ lệ 5:5 và chú trọng xây dựng chương trình đào tạo của các khoa theo đặc thù của địa phương.

Sinh viên còn được thường xuyên đi tham quan các nhà máy, xí nghiệp và được bố trí thời gian thực tập 5 tháng.

Với thời gian đó, sinh viên không chỉ được học tập và rèn luyện bản thân trong môi trường công nghiệp mà còn có cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu, hướng dẫn và giúp các em hiểu về công việc tương lai của mình.

Trong thời gian này, doanh nghiệp đã tìm được những nhân viên tích cực cho mình mà không tốn thời gian đào tạo lại.

Đại học Lạc Hồng đã ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập. Nhà trường áp dụng nhiều sáng kiến và các ý tưởng sáng tạo trong việc xây dựng phần mềm quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ (với các modul: phần mềm đăng ký học tập, hình thành và quản lý học phần, chuyển và quản lý điểm…); nâng cấp đường truyền internet đảm bảo cho các phòng học, phòng làm việc hoạt động.

Nhà trường còn đầu tư xây dựng hệ thống hội thảo trực tuyến, đào tạo trực tuyến, thực hành thương mại điện tử, thư viện điện tử phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Sinh viên chỉ cần ở nhà, cập nhật website là có thể có được những gì mình muốn.

Trường đã đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, trang bị các kỹ năng mềm cho các em.

Trong cam kết chuẩn đầu ra, trường đã công bố rõ các chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ mà một sinh viên đạt được khi tốt nghiệp.

Các lớp học tiếng Anh được chia nhỏ theo chuẩn 40 sinh viên/lớp, và sau mỗi giờ học lý thuyết, các em sẽ được thực hành tại phòng Mutimedia.

Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức, văn hóa, nhà trường luôn kích thích niềm say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học bằng các cuộc đua trí tuệ, bằng những công trình nghiên cứu khoa học.

Nhiều công trình nghiên cứu của sinh viên đã được chuyển giao và ứng dụng tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước như Cty Nectokin - Nhật Bản, Cty Plus…

Trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, sinh viên của trường cũng đạt nhiều thành tích đáng tự hào như giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ”, giải “VIFOTEC”, ba lần Vô địch Robocon Việt Nam, hai lần đoạt giải Nhì Robocon châu Á Thái Bình Dương…

Mười lăm năm – một chặng đường, các thế hệ sinh viên được đào tạo tại Đại học Lạc Hồng đã trưởng thành và tỏa đi khắp nơi để lao động và cống hiến.

Đó cũng chính là động lực để nhà trường không ngừng phấn đấu, và cũng chính là một minh chứng cho một hướng đi đúng, không hề thay đổi của Đại học Lạc Hồng: Giúp cho các sinh viên phát triển hết tiềm năng của mình và tạo ra những con người có ích cho xã hội.

Th.Sỹ Lâm Thành Hiển
Phó Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG