Mô hình trường học mới tránh chạy theo hình thức

Cảnh tiết học trong một lớp học theo mô hình trường mới ở Nghệ An
Cảnh tiết học trong một lớp học theo mô hình trường mới ở Nghệ An
TP - Mô hình trường học mới (VNEN) đang được nhiều địa phương hồ hởi đón nhận, tự triển khai mở rộng bằng ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục các cấp cảnh báo các trường cần tránh việc “chạy theo” VNEN một cách hình thức.

Cô mệt trò vui

Trường Tiểu học Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn là một trong 73 trường của Nghệ An nằm trong dự án VNEN. Được dự giờ tiết học môn Lịch sử ở lớp 5A của trường, các thầy cô trong đoàn công tác của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng được lây không khí hào hứng từ lớp học. 

Không còn cảnh học sinh ngoan ngoãn đặt tay lên bàn hoặc chăm chú ghi chép trong khi giáo viên giảng thao thao bất tuyệt trên bục giảng như các lớp học truyền thống. Thay vào đó là bàn ghế được quay theo nhóm, học sinh mỗi nhóm chụm đầu vào nhau sôi nổi thảo luận, giáo viên lượn vòng quanh theo dõi diễn biến rồi yêu cầu các nhóm cử đại diện chia sẻ thông tin mà các em vừa “thu hoạch” được. 

Cũng có lúc, cô giáo đề nghị một nhóm bất kỳ tự dàn dựng ngay tại chỗ hoạt cảnh liên quan tới bài học, các em chia nhau vào vai các nhân vật rồi thoại khá linh hoạt. Thậm chí có em diễn “như thật” khiến các bạn nhóm khác cười nghiêng ngả.

“Điều cần lưu ý là không nhân rộng một cách máy móc, mà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình. Việc nhân rộng toàn bộ hay nhân rộng từng phần theo mô hình trường học mới đều tốt”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Chia sẻ với chúng tôi, cô Hoàng Thị Minh Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen cho rằng, mô hình trường học mới đã thực sự thổi sinh khí mới vào tất cả các tiết học trong nhà trường. Tuy nhiên, cô Thuận cũng cho biết, dạy theo mô hình trường học mới đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn rất nhiều không chỉ trong các hoạt động trên lớp mà còn trong quá trình chuẩn bị bài dạy. Các thầy cô phải hết sức năng động, linh hoạt. 


Hồi đầu chưa quen, xong một tiết dạy nhiều cô thấy mệt phờ người! Ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh - Nghệ An, các giáo viên cũng có thái độ hồ hởi tương tự khi kể về việc “được” thực hiện VNEN. 

“Trẻ con Nghệ An không như các cháu ngoài Bắc, các em giao tiếp rất khó khăn. Nhưng sau khi học VNEN thì các em trở nên mạnh dạn, tự tin, biết trình bày biểu đạt một vấn đề nào đó một cách thoải mái - mạch lạc trong khi trước đây ai hỏi hoặc ấp úng không nên lời hoặc nếu có thì cứ nói trống không”, cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ. 

Còn chị Phan Thị Thoa, phụ huynh em Đỗ Thị Thơ Bình lớp 5A nhận xét: “Con học lớp 3 mô hình truyền thống, từ lớp 4 mới học VNEN. Sau khi tham gia VNEN thì con thay đổi rõ rệt. Trước thì phải làm bài tập rất nhiều, sau thì hầu như không có nhưng do quá trình học trên lớp con cùng các bạn được hướng dẫn tự học nên nhớ được nhiều và sâu hơn. Con tỏ ra rất vui vì được tự do trao đổi, thảo luận trong lớp”.

Không đầu voi đuôi chuột

Trước thành công ban đầu của một số trường nằm trong khuôn khổ dự án VNEN, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động mở rộng toàn phần hay từng phần số trường tiểu học ứng dụng mô hình tổ chức dạy học này mà không cần dùng tới kinh phí hỗ trợ của dự án. Vì vậy, mặc dù số lượng trường chính thức nằm trong dự án chỉ có 1.447 trường, nhưng nay cả nước có thêm 1.200 trường tự nguyện thực hiện mô hình VNEN. 

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì không có dự án nào tự nhân rộng nhanh đến thế. “Bộ chưa tổng kết, nhưng địa phương đã thấy được lợi ích của mô hình và tự nhân ra rồi. Bộ GD&ĐT rất khuyến khích tiếp tục nhân rộng cùng với quá trình rút kinh nghiệm”, ông Hiển cho biết. 

Lý giải cái được của mô hình VNEN, ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An nói: “Chúng ta có nhiều chủ trương về đổi mới phương pháp dạy học, nhưng không thành công, vì không có bước đi phù hợp. Chúng ta cứ hô là dạy học tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo nhóm, nhưng đó là lý thuyết. Muốn nó trở thành hiện thực thì phải có một kỹ thuật cụ thể. Chính dự án này đưa ra giải pháp cụ thể để giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức lớp học”.

Mô hình trường học mới tránh chạy theo hình thức ảnh 1

Cảnh tiết học trong một lớp học theo mô hình VNEN ở Nghệ An 

Tuy nhiên, theo TS Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng dự án VNEN của Bộ GD&ĐT, cái mà các chuyên gia lo ngại là làm sao để mô hình VNEN tiếp tục “sống” sau khi dự án kết thúc (dự kiến tháng 5/2016). Thực tế cho thấy, không phải trường nào trong tổng số 1.447 trường được dự án lựa chọn cũng đều làm tốt. Chẳng hạn trong chuyến khảo sát tại Hà Tĩnh vừa qua, đoàn công tác của dự án VNEN đã bày tỏ thái độ chưa hài lòng với việc triển khai mô hình này ở Trường Tiểu học C (huyện Cẩm Xuyên) - trường duy nhất của tỉnh được hưởng ngân sách dự án. 

Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng công nhận sở dĩ mô hình VNEN ở trường C. có tính hình thức bởi mặt bằng năng lực của giáo viên nhà trường còn thấp, cán bộ quản lý chưa thật sự hiểu tính chất của VNEN. 

Trong khi đó, Trường Tiểu học Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) là đơn vị đăng ký làm VNEN dù không được tài trợ thì lại có cách làm rất sáng tạo. Được biết, Hà Tĩnh là một trong số những địa phương nhân rộng nhiều nhất số trường theo mô hình VNEN (48/267 trường tiểu học của toàn tỉnh). 

Một khó khăn để VNEN đi vào thực chất, theo nhiều giáo viên là điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học ở nhiều trường hiện còn quá thấp, lớp học thì chật, sĩ số lại đông. Theo điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Nhưng với VNEN, con số đó cũng là nhiều. 

“Các lớp học hiện tại chỉ đáp ứng được mô hình truyền thống, xoay bàn ghế học theo nhóm của VNEN thì thành chật. Lớp đông, nhóm lớn, phòng chật nên khi các em thảo luận nhóm sẽ bị ảnh hưởng lẫn nhau. Với lại học theo VNEN lớp đông quá cô giáo sẽ khó bao quát, dẫn tới việc hỗ trợ những em còn đuối so với các bạn không kịp thời”, cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Quán Bàu, TP Vinh chia sẻ.

MỚI - NÓNG