Diễn đàn “Sách giáo khoa nên một hay nhiều bộ?”:

Mời người đầu ngành, không cần chức danh

Mời người đầu ngành, không cần chức danh
TP - Chúng tôi rất vui có một diễn đàn về SGK vì đây là vấn đề hệ trọng của đất nước và một số bộ sách còn gây nhiều tranh cãi.

Tại sao chúng ta chưa chọn được một hội đồng biên soạn thật sắc sảo rồi tổ chức duyệt? SGK là vận mệnh đất nước mà lại định để vài cá nhân lựa chọn, nghe thật hãi hùng. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà giáo Vũ Thế Khôi.

Thầy Khôi dùng chữ “mời các nhà khoa học uy tín đầu ngành chứ không dùng các chức danh viện sĩ, giáo sư…”. Đây là ý kiến rất đúng song tôi nghĩ thêm điều nữa: cả người soạn/duyệt phải có “chứng minh trí tuệ”. Đó là, hoặc có những phát minh/luận án/công trình… đặc sắc, sáng tạo, hoặc đã đoạt giải tại các kì thi toàn quốc/quốc tế, hoặc trước đây tốt nghiệp ĐH xuất sắc, có thành tích chuyên môn nổi bật…

Xin tránh chọn những người chỉ có kiến thức và công trình tích lũy, ít tư duy phê phán, sáng tạo, thiếu tính thực tiễn.

Nên có một hay nhiều bộ SGK? Ở nước ta hiện nay, đây là vấn đề nan giải. Mỗi giải pháp đều có ưu, nhược điểm, chưa thể cầu toàn được. Theo chúng tôi, trước mắt vẫn dùng SGK hiện hành song phải khẩn trương cải tiến: cắt gọn/bổ sung/sửa đổi… (phải làm dứt điểm từng vấn đề, tránh lãng phí).

Cạnh đó, khuyến khích các nhà khoa học viết và hội đồng duyệt sách duyệt. Như thầy Khôi nói: “Cuốn nào hiệu quả hơn bộ chuẩn thì có thể dùng thay hoặc dùng song song”.

Đúng vậy, thậm chí một ý nào, chương nào… thực sự tốt hơn nhiều thì phải dũng cảm mà thay. Nhân vô thập toàn, làm gì có bộ SGK trên đời này hoàn hảo. Ở cấp đại học, hiện nay có môn dùng nhiều sách khác nhau trên nền tảng chuẩn. Tuy nhiên, nếu sau này trăm hoa đua nở thì phải chọn hoa mà duyệt.

Ngoài ra, khi duyệt, hội đồng duyệt cần lấy ý kiến quần chúng. Người Anh có câu: “A fool may give councel” (kẻ dốt cũng có thể khuyên hay). Quần chúng lại không phải kẻ dốt thì càng cần tham khảo, thậm chí phải có nhiều hội nghị Diên Hồng.

Trước đây, chúng tôi mới gửi một số ví dụ cải tiến cho từ điển của nhà xuất bản Oxford mà họ đã rất hoan nghênh, tặng mấy cuốn và hỏi ý kiến về cuốn khác với tinh thần cầu thị, khiêm nhường. Trong khi đó, câu dịch của bài hát SEAGAMES 22 “Vietnam is expecting” (VN đang có bầu) đã được góp ý rồi mà cứ phát sóng (hiện còn hát trong nhiều cơ sở) làm xấu hổ học thuật nước nhà.

Chúng tôi đã phải bút chiến với một Việt kiều bên Mỹ để họ không thể coi thường chúng ta. Lỗi của tác giả nọ chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Ngôn ngữ có nhiều ngoại lệ bất ngờ, khó biết hết được. Song đáng lẽ phải có ban duyệt trước khi phát sóng.

Về nội dung SGK, các lãnh đạo cấp cao phàn nàn còn quá nặng nề. Theo chúng tôi nên có phần hướng dẫn học sinh kiến thức lõi và kiến thức lề để học sinh khỏi phải học thuộc tất cả. Nhiều em bị giáo viên bắt thuộc cả năm sinh, năm mất của những nhân vật như Ngô Thì Chí, Ngô Thì… gì gì đó nữa.

Xin lỗi, đến bố mẹ, ông bà, các em có biết sinh năm nào không? Có cô giáo còn bảo: “Em nào đọc ngược đoạn thơ trong Truyện Kiều thì cho thêm điểm”. Ở những bộ môn nào đó, có lẽ chủ yếu phải nhớ hiện tượng, sự kiện chứ không phải con số. Mục hướng dẫn giảng dạy, thi cử trong SGK là vô cùng quan trọng.

Hoàng Tất Trường
M.A. – Giảng viên chính ĐHQG Hà Nội

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.