Môn lịch sử: Học Hồ Chí Minh chúng ta nên học gì?

Học sinh trường Lê Quý Đôn hào hứng học lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa (ảnh: L.Phong, nguồn: Lao Động)
Học sinh trường Lê Quý Đôn hào hứng học lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa (ảnh: L.Phong, nguồn: Lao Động)
TPO - Thời gian gần đây, môn Lịch sử trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học Lịch sử. Gần đây Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự án tích hợp môn lịch sử như một môn học tự chọn cho học sinh trung học. Ý tưởng này bị không ít nhà giáo, chuyên gia 'chê' và nhìn nhận là không phù hợp. Đây cũng là tư tưởng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng hướng tới.

Vì sao học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử?

Theo một khảo sát nhỏ với một nhóm 210 học sinh ở Hà Nội do các giảng viên trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia HN thực hiện, hầu hết học sinh không hứng thú với môn sử, trong đó hơn 1/3 trả lời là không thích. Hầu hết các em coi môn sử là môn phụ không cần học, nếu học chỉ để cho đủ điểm, không cần đọng lại gì trong đầu.

Đây cũng là lí do khiến thời gian qua việc học sinh chọn môn thi là sử rất ít và điểm thi cũng không phải cao. 

Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết đều không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng nhớ sai. 

Thực tế trên khiến nhiều người lo ngại về tình trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, dường như đang có những dấu hiệu “xuống cấp” nghiêm trọng. 

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tình trạng “xuống cấp” môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa (SGK) nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên cao hơn nữa là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. 

Ngoài ra còn có những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn Lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học lịch sử, học sử không có tiền đồ, khó kiếm việc làm. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, học sinh phần lớn “quay lưng” lại với SGK, cách dạy và học môn Lịch sử chứ không phải quay lưng lại với lịch sử. 

Ý tưởng tích hợp môn sử

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể liên quan đến môn Lịch sử ở THPT có các môn, phân môn, chuyên đề như sau: Lịch sử tự chọn (dành cho học sinh chọn Khoa học xã hội nói chung và ngành lịch sử); phân môn Lịch sử trong Khoa học xã hội (lớp 10, 11) dành cho học sinh chọn các môn Khoa học tự nhiên; và phân môn Lịch sử trong môn Công dân với tổ quốc; cuối cùng là các chuyên đề tự chọn, trong đó có chuyên đề về lịch sử.

Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

Ý tưởng tích hợp của Bộ GD-ĐT được tranh luận gay gắt và hầu như không tìm được sự đồng thuận. 

Giới chuyên gia và các giáo viên dạy sử băn khoăn rằng “tích hợp” môn Sử khi hiện nay chưa ai có thể hình dung được  sách giáo khoa mới sẽ được viết như thế nào và dạy tích hợp môn “Công dân với Tổ quốc” ra sao, ai sẽ là những người dạy môn “tổng hợp” đó. 

Trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và cả trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn lắp ghép những kiến thức “tổng hợp” như thế. 

"Trong 25 nước châu Âu thì phần lớn Lịch sử là môn độc lập, bắt buộc, không là phân môn trong môn tích hợp nào. Các nước ở gần chúng ta như Trung Quốc thì bậc THCS (lớp 7 đến lớp 9) môn Sử luôn là bắt buộc. Bậc THPT Lịch sử là môn học chính thống, độc lập trong chương trình. Ở Hàn Quốc, bậc THPT có ba môn Lịch sử Hàn Quốc, Lịch sử Đông Á, Lịch sử thế giới thì Lịch sử Hàn Quốc là môn bắt buộc. Hàn Quốc có 8 công ty xuất bản sách nhưng sắp tới môn Lịch sử sẽ do Chính phủ chủ trì viết sách giáo khoa và xuất bản", PGS Nghiêm Đình Vỳ  thông tin trên báo điện tử VnExpress.

Môn lịch sử: Học Hồ Chí Minh chúng ta nên học gì? ảnh 1

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định, dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu những phẩm giá và nhân cách của con người Việt Nam, về quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay. 

Theo tướng Trung, hiện nay tình chính trị, an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ tài nguyên, xung đột sắc tộc, can thiệp lật đổ, khủng bố... diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. 

"Đối với Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đang đặt ra ngày càng nặng nề và phức tạp hơn. Nếu chúng ta không có sự giáo dục đúng mức thì nhiều thế hệ người Việt không thể hiểu biết đầy đủ về lịch sử chủ quyền quốc gia. Thế hệ trẻ không có niềm tin dân tộc, không kế thừa được truyền thống dựng nước và giữ nước thì làm sao có thể bảo vệ đất nước một cách chân chính?", Giáo đốc Học viện Quốc phòng đặt câu hỏi.

Vì vậy, ông đề nghị dự thảo chương trình phổ thông tổng thể cần sửa đổi, đưa môn Lịch sử về đúng vị trí của nó, là môn độc lập và bắt buộc trong giáo dục phổ thông.

Và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” . Theo Người: Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Hồ Chí Mình chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời” .

Ngày 7/6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Người căn dặn: Bây giờ do cuộc chống Mỹ, cứu nước của ta có một vị trí rất lớn đối với thế giới, ta lại đánh thắng đế quốc Mỹ, nên ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm hiểu rất kỹ về Việt Nam. Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài. 

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay đối với môn lịch sử thì trong chương trình giáo dục Trung học phổ thông, môn Lịch sử phải là môn bắt buộc, môn độc lập, không thể là môn tự chọn, không nên tích hợp vào các môn khác.  

Bởi vì theo quan điểm của Hồ Chí Minh: "Sự quan hệ giữa mỗi vật thiên nhiên là luật phát triển của thiên nhiên thì quan hệ trong đời sống xã hội là luật phát triển của xã hội. Lịch sử của xã hội là sự phát triển cần kíp của xã hội mà sự nghiên cứu của xã hội là một khoa học”. Sự hoạt động thực tế của Đảng cách mạng phải dựa theo luật phát triển của xã hội chứ không phải dựa theo lý tưởng suông. Ta có thể biết chắc chắn những luật phát triển của thiên nhiên thì ta cũng biết được luật phát triển của xã hội".

Làm gì để học sinh 'mê' lịch sử?

Trả lời trên một tờ báo điện tử, giáo sư Phan Huy Lê nhận định, nếu nhìn một cách toàn diện, thì tôi phải nhấn mạnh đây là sai sót mang tính hệ thống. Từ nhận thức vị trí môn Lịch sử không rõ ràng đến xây dựng môn sử không đúng yêu cầu giáo dục; rồi từ đó biên soạn sách giáo khoa sai; phương pháp giảng dạy sai. 

Cho nên, muốn thay đổi thực trạng dạy sử hiện nay cần phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Và muốn như vậy thì trước hết phải nhận thức lại toàn bộ vị trí của môn Lịch sử, rồi phải viết lại giáo trình, viết lại sách giáo khoa.

Việc biên soạn sách giáo khoa thì nên học tập kinh nghiệm các nước. Nhà nước chỉ quản lý chương trình giáo dục và thẩm định sách giáo khoa. Và “xã hội hóa” để có nhiều bộ sách giáo khoa cho các trường tự lựa chọn.

Học sinh không thích học chứ không phải quay lưng với môn Lịch sử. Mới đây, có một cuộc khảo sát ở Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) đối với học sinh lớp 10, 11 và 12 thì hơn 80% không thích môn Lịch sử. 

Nhưng khi hỏi các em là có nên coi môn Lịch sử là môn tự do không bắt buộc học không thì các em phản đối. Các em đòi hỏi một phương pháp dạy khác, thông minh, sáng tạo, tìm tòi hơn.

MỚI - NÓNG